10 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng phát triển bền vững

Trong 10 trường Việt Nam vào bảng xếp hạng đại học phát triển bền vững của QS, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu, thứ hạng 325 thế giới.

Tổ chức QS ngày 10/12 công bố bảng xếp hạng đại học phát triển bền vững năm 2025 (QS World University Rankings: Sustainability) với hơn 1.750 trường đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bảng xếp hạng này đánh giá việc thực hiện cam kết và tác động của các đại học đối với phát triển bền vững, thông qua nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng. Ba yếu tố chính để đánh giá sự đóng góp của các trường là: Tác động môi trường (Environmental Impact), Tác động xã hội (Social Impact), và Quản trị (Governance).

Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ở vị trí 325 thế giới, tăng 456 bậc so với năm ngoái. Đây là thứ hạng cao nhất của một trường ở Việt Nam trên bảng xếp hạng này.

Việt Nam có 5 trường khác trong top 1.000 gồm Đại học Duy Tân (hạng 538), Kinh tế TP HCM (653), Bách khoa Hà Nội (702), Quốc gia TP HCM (880) và Tôn Đức Thắng (921-930).

Trong số này, Đại học Kinh tế TP HCM và Bách khoa Hà Nội tăng lần lượt 188 và 199 bậc so với năm ngoái. Các trường còn lại tụt hạng.

Ngoài ra, Việt Nam có Đại học Cần Thơ được xếp trong nhóm 1.061-1.080, Nguyễn Tất Thành nhóm 1.451-1.500. Đại học Huế và Đà Nẵng lần đầu xuất hiện ở bảng xếp hạng phát triển bền vững, đều trong nhóm 1.501+.

TT Tên trường Thứ hạng 2024 Thứ hạng 2025 Điểm đánh giá
(thang 100)
1 Đại học Quốc gia Hà Nội 781-790 325 70,5
2 Đại học Duy Tân 455 538 60,2
3 Đại học Kinh tế TP HCM 841-860 653 55
4 Đại học Bách khoa Hà Nội 901-920 702 53,1
5 Đại học Quốc gia TP HCM 841-860 880 47,1
6 Đại học Tôn Đức Thắng 881-900 921-930
7 Đại học Cần Thơ 1.101-1.150 1.061-1.080
8 Đại học Nguyễn Tất Thành 1.201+ 1.451-1.500
9 Đại học Huế 1.501+
10 Đại học Đà Nẵng 1.501+

QS là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học nổi tiếng, bên cạnh Times Higher Education (THE) và Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU).

Bảng xếp hạng đại học phát triển bền vững được QS đưa ra sau khi đánh giá ba phần với 9 nhóm tiêu chí, gồm: Tác động môi trường (Giáo dục về môi trường, nghiên cứu về môi trường, bền vững trong môi trường), Tác động xã hội (Tuyển dụng và kết quả đầu ra, bình đẳng, sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc, ảnh hưởng về giáo dục, chia sẻ kiến thức), Quản trị (Quản trị tốt).

Ở mỗi nhóm tiêu chí, QS chia thành các tiêu chí nhỏ, với trọng số điểm trong khoảng 1-10%.

Năm nay, Đại học Toronto (Canada) là trường duy nhất đạt tuyệt đối 100/100, đứng đầu thế giới. Top 5 còn có ETH Zurich (Thụy Sĩ), Đại học Lund (Thụy Điển), Đại học California tại Berkeley (Mỹ), UCL (Anh).





Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Dương Tâm


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *