5 biến chứng thần kinh do bệnh zona

Bệnh zona thần kinh không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như đau dây thần kinh, đột quỵ, viêm não hoặc màng não, liệt mặt.

Zona (giời leo) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Triệu chứng bệnh gồm dị cảm da (ngứa, châm chích, rát, đau), nổi ban dạng sần và bóng nước. Một số trường hợp có thể sốt, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm.

BS.CKII Trần Lê Thanh Tâm, Trưởng Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết bệnh zona và thủy đậu có liên hệ mật thiết nhau. Người bệnh sau khi khỏi thủy đậu, virus VZV vẫn tồn tại và sống ẩn (ngủ) trong hạch thần kinh nhiều tháng, có thể nhiều năm. Khi điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy giảm, virus sẽ hoạt động trở lại (thức dậy) rời vị trí trú ngụ, di chuyển dọc dây thần kinh gây viêm, hoại tử, xơ hóa các đầu mút tận cùng của dây thần kinh.

Người từng bị thủy đậu, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh zona nên đi khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa thần kinh, nội tổng hợp hoặc da liễu. Bởi bệnh để lâu có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đau dây thần kinh sau zona

Tùy dây thần kinh bị ảnh hưởng, virus VZV có khả năng gây đau mạn tính kèm theo nóng, rát ở các khu vực cơ thể khác nhau như mắt, mặt, lưng, ngực… Đau dây thần kinh sau zona gây ra cảm giác đau nhức nhiều, có thể kèm theo co giật từng cơn, không thể làm dịu cơn đau bằng các tác động bên ngoài da. Tình trạng đau dữ dội, kéo dài không chỉ làm giảm chất lượng sống của người bệnh mà còn tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng trầm cảm, mất ngủ, đột quỵ…

Người bệnh đau thần kinh sau zona có thể điều trị bằng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ. Nguồn từ trường mạnh và ngắn hạn có khả năng xuyên qua da và hộp sọ để tác động trực tiếp đến vùng vỏ não. Khu vực này có vai trò quan trọng trong điều chỉnh tín hiệu đau, làm giảm cảm giác đau thông qua cơ chế giảm nhạy cảm với đau của hệ thần kinh trung ương. “Đây là kỹ thuật hiện đại, không xâm lấn, không gây đau, an toàn cho cả người cao tuổi”, bác sĩ Tâm nói.





Người bệnh đau thần kinh sau zona điều trị bằng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Người bệnh đau thần kinh sau zona điều trị bằng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Đột quỵ

Virus VZV tấn công vào hệ thống mạch máu não gây viêm, làm cho lớp nội mạc dày lên, tăng nguy cơ hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu, từ đó làm lưu lượng máu lên não giảm, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não. Viêm mạch máu não khiến cho thành mạch yếu hơn. Nguy cơ phình hoặc vỡ mạch máu khi áp lực nội mạch tăng cao để bơm máu lưu thông qua các vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn. Tình trạng vỡ mạch làm máu chảy ra nhu mô não gây đột quỵ xuất huyết não.

Viêm não hoặc màng não

Zona có thể tấn công vào ống tai hoặc tủy sống. Từ đó, virus VZV di chuyển theo hệ thống thần kinh để đến não, gây viêm. Người bệnh không chữa trị kịp thời có khả năng ảnh hưởng tính mạng hoặc gặp di chứng thần kinh kéo dài như yếu liệt, tê bì tay chân, động kinh…

Liệt cơ mặt, đau tê vùng mặt

Khi virus VZV tấn công vào các nhánh của dây thần kinh số 5 hoặc số 7, tùy mức độ tổn thương, người bệnh dễ bị giảm cảm giác, tê yếu, liệt cơ mặt tại các vùng cục bộ. Triệu chứng điển hình là không thể cau mày, nhăn trán, méo miệng, mất khả năng biểu cảm…

Hội chứng Ramsay Hunt

Hội chứng Ramsay Hunt là tình trạng các dây thần kinh mặt ngoại biên bị tổn thương khi mắc zona thần kinh. Người bệnh có nguy cơ liệt mặt cùng bên với tai bị ảnh hưởng, nhắm một mắt khó khăn, đau tai, giảm thính lực, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, thay đổi hoặc mất vị giác…

Bác sĩ Thanh Tâm cho biết bệnh zona còn gây ra nhiều biến chứng khác như suy giảm hoặc mất thị lực, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm gan, rối loạn nhịp tim. Nguy cơ biến chứng sau zona thường tăng cao với người cao tuổi, thai phụ người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, ung thư…

Phòng bệnh zona bằng cách giữ gìn vệ sinh, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh zona khi cơ thể còn vết mụn nước. Ngủ đủ giấc, không hút thuốc, duy trì chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục để tăng sức đề kháng. Người từ 18 tuổi trở lên, nhất là khi có hệ miễn dịch suy yếu, tiền sử mắc zona thần kinh, nên tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh.

Trường Giang

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *