Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Số năm đóng BHXH tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% đối với lao động nam là 35 năm và lao động nữ là 30 năm. Như vậy, nếu tổng thời gian tham gia BHXH vượt số năm này, người lao động sẽ vừa được hưởng lương hưu, vừa được nhận trợ cấp một lần.
Tại Luật BHXH năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu có sự điều chỉnh theo hướng nhóm lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH sẽ được hưởng mức trợ cấp cao hơn.
Cụ thể, tại Điều 68 quy định:
1. Lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn quy định tại khoản 1 Điều này bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 của Luật này cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định (tại Điều 64 và Điều 65 của Luật này) mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 của Luật này cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định tại khoản 1 Điều này kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Điều 72. Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến ngày 31-12- 2000 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Bắt đầu tham gia bBHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1- 2001 đến ngày 31-12- 2006 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1- 2007 đến ngày 31-12- 2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12- 2019 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Bắt đầu tham gia bBHXH từ ngày 1-1- 2020 đến ngày 31-12- 2024 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Bắt đầu tham gia bBHXH từ ngày 1-1- 2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXHi.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bBHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.