Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi thông qua hồi tháng 6 kế thừa quy định hiện hành, giữ nguyên lộ trình tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu, trợ cấp một lần với lao động trong doanh nghiệp là bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Riêng lao động khu vực nhà nước tính bình quân 5 – 20 năm với người gia nhập hệ thống tùy từng thời điểm. Người đóng BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi tính bình quân toàn bộ quá trình đóng.
Cụ thể:
Lao động tham gia BHXH cả hai khu vực thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng chung của hai giai đoạn. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng trong một số trường hợp đặc biệt.
Luật sửa đổi áp dụng mức tham chiếu làm căn cứ tính một số chế độ, bằng lương cơ sở nếu chưa bãi bỏ (hiện hành 2,34 triệu đồng). Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của lao động khu vực nhà nước tham gia trước ngày 1-1-2016 được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng hưu trí; với người tham gia sau ngày 1-1-2016 và lao động khu vực tư được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng tùy từng thời kỳ do Chính phủ quy định.
Trường hợp Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay cho hệ thống bảng lương hiện hành thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 29-6, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.
Hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, khoảng 3,3 triệu người trong số này hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt 5,4 triệu đồng.