Ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động sẽ đúc rút những kinh nghiệm, hướng đi mới, hiệu quả hơn nhằm tăng vị thế người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người đi xuất khẩu lao động nhằm tạo uy tín và thương hiệu trên thị trường quốc tế
Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này được nêu rõ trong Chỉ thị 20 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Sớm vượt kế hoạch
Dù chưa hết năm 2024 nhưng theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã sớm về đích. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 người (đạt 114% kế hoạch). Trong đó, thị trường Nhật Bản tiếp nhận 69.188 người, Đài Loan (Trung Quốc) 53.271 người, Hàn Quốc 11.273 người…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan đánh giá NLĐ ngày càng có thêm cơ hội làm việc tại những thị trường có thu nhập hấp dẫn, phúc lợi tốt. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, tư vấn, định hướng, tuyển dụng và đào tạo được các doanh nghiệp (DN) dịch vụ thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động ra nước ngoài làm việc, dần xây dựng hình ảnh NLĐ Việt Nam tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hiện nay, NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Trong đó, nổi bật là sản xuất – chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử…), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng thủy sản), dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc gia đình)… Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi của NLĐ được bảo đảm. Tùy từng thị trường, thu nhập của NLĐ khá cao và ổn định, dao động 1.000 – 1.800 USD/tháng (khoảng 25 – 45 triệu đồng).
“Từ năm 2017 đến nay, Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, chiếm trên 50% tổng số NLĐ nước ta đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Thời gian qua, nhiều thị trường mới, chất lượng cao cũng đã được Bộ LĐ-TB-XH tích cực đàm phán và triển khai ở châu Âu, Úc…” – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, châu Âu luôn được đánh giá là thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế, được đa số thị trường tiếp nhận đánh giá cao.
Trong Ngày Lao động Việt Nam tại Nhật Bản 2024 diễn ra mới đây, các nghiệp đoàn, DN nước này đánh giá cao năng lực, tinh thần, ý thức, thái độ, sức sáng tạo của NLĐ Việt Nam. Ông Kasagamaya Mikio, Chủ tịch Nghiệp đoàn T.I.C, nhận xét: “Thực tập sinh Việt Nam mà chúng tôi tiếp nhận cho đến nay đều là những người ưu tú. Họ trưởng thành nhanh chóng từng ngày và có nhiều thành tích xuất sắc. Lĩnh vực chế tạo là một ví dụ, không chỉ DN tiếp nhận mà ngay cả các bộ, ngành của Nhật Bản cũng đáng giá cao năng lực của thực tập sinh Việt Nam”.
Đẩy mạnh đào tạo, định hướng
Theo ông Phạm Anh Thắng – Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP HCM – Chỉ thị 20 của Ban Bí thư đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác XKLĐ. Điều này góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, nhất là lao động ở nông thôn và địa bàn đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người đi XKLĐ chủ yếu làm những công việc lao động phổ thông trong các ngành nghề như: xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, gia công công nghiệp, chăm sóc người già và trẻ em… Một trong những vấn đề lớn nhất của NLĐ Việt Nam là thiếu trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Dù đã nỗ lực trong công việc, nhiều người vẫn chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lao động quốc tế.
“Vì vậy, việc đào tạo nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, giáo dục định hướng là rất cần thiết nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao vị thế của NLĐ Việt Nam. Với nhiệm vụ này, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và DN hết sức quan trọng” – ông Thắng nhận định.
Ở góc độ DN, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh, đánh giá trong các lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí.., rất ít lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu. Do đó, họ bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến. Điều mà NLĐ Việt Nam có được khi đi XKLĐ là tích lũy kinh nghiệm, tay nghề và khoa học – kỹ thuật của nước bạn.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho rằng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, ngoài sự lãnh đạo của Bộ LĐ-TB-XH và các cấp chính quyền thì vai trò của DN phái cử là yếu tố then chốt. Trước hết, DN phải thực hiện nghiêm, đúng, đủ các quy định của pháp luật, lấy NLĐ làm trung tâm của mọi hoạt động XKLĐ.
Trong đó, quan trọng nhất là khâu tư vấn, định hướng để NLĐ biết được mình phù hợp với ngành nghề gì. Tiếp đến là đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tác phong chuyên nghiệp cho NLĐ, rèn luyện thêm về sức khỏe và làm quen với văn hóa nước sở tại. “Như vậy sẽ giúp NLĐ chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân để làm nền móng phát triển sự nghiệp” – ông Sơn nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được duy trì ở mức hơn 150.000 người/năm. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 700.000 lao động đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cả nước hiện có hơn 500 DN dịch vụ được cấp phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Kiều hối từ XKLĐ đạt 3,5-4 tỉ USD/năm.
(Còn tiếp)