“Vén màn” thủ đoạn bảo kê

TAND TP HCM dự kiến tuyên án vụ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống với 55 bị cáo vào ngày 20-12. Trong đó các mắt xích quan trọng là bị cáo Trần Văn Thịnh (SN 1991, quê Lâm Đồng), Bùi Văn Bảo (SN 1991, quê Quảng Ngãi) và nhóm cán bộ thuế liên quan. Đây là một trong những vụ án kinh tế nghiêm trọng với tổng giá trị giao dịch lên tới gần 14.000 tỉ đồng, số tiền thu lợi bất chính hơn 100 tỉ đồng.

Lộ diện hệ thống bảo kê tinh vi

Trong quá trình xét hỏi, HĐXX đã làm rõ sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng chính và nhóm cán bộ thuế nhằm bảo vệ hàng loạt doanh nghiệp “ma” dùng để hợp thức hóa việc xuất bán hóa đơn khống. Với mỗi giao dịch thành công, các cán bộ thuế nhận “hoa hồng” từ 0,45%-0,8% trên tổng giá trị hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT).

Điển hình, bị cáo Lê Thành Nhân, công chức Đội Quản lý thuế liên phường thuộc Chi cục Thuế khu vực quận 12 – huyện Hóc Môn, TP HCM, đã nhận hơn 7,7 tỉ đồng từ các đối tượng liên quan. Trong đó, Nhân nhận 6,4 tỉ đồng từ Phạm Minh Cường (SN 1984, quê Bình Định) để che giấu việc bán hóa đơn qua 12 doanh nghiệp “ma”. Nhân lợi dụng quyền truy cập hệ thống thuế để cung cấp thông tin về trình trạng nộp thuế, khai báo thuế của doanh nghiệp “ma” do Phạm Minh Cường lập để xuất bán trái phép hóa đơn GTGT và nhắc nhở Cường đóng thuế đầy đủ tránh sự chú ý của cơ quan thuế. Nhân còn nhắc nhở Cường thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp “ma” khi doanh thu của các doanh nghiệp này cao bất thường nhằm tránh bị cơ quan thuế phát hiện và kiểm tra. Các khoản “hoa hồng” được chuyển qua các lần giao dịch vào 3 tài khoản ngân hàng của Nhân, được che đậy dưới hình thức giao dịch cá nhân.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Bên cạnh đó, Trần Quốc Duy, công chức Chi cục Thuế khu vực quận 7 – huyện Nhà Bè, TP HCM, một mắt xích quan trọng khác, đã nhận tổng cộng 4 tỉ đồng để hỗ trợ các đối tượng xuất bán hóa đơn khống. Duy thường xuyên nhờ Bùi Thanh Liêm, Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế số 3, Chi cục Thuế khu vực quận 7 – huyện Nhà Bè, TP HCM, tra cứu thông tin và kiểm tra tình trạng thuế của 162 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp “ma” do Trần Văn Thịnh lập. Để đối phó với cơ quan chức năng, Liêm còn hướng dẫn cách giải trình, thay đổi địa chỉ hoặc mở lại mã số thuế để tránh bị phát hiện. Đổi lại, Trần Quốc Duy nhiều lần gửi quà và chuyển khoản tiền bồi dưỡng cho Liêm.

Theo đại diện VKSND TP HCM, việc tiếp tay của nhóm cán bộ thuế này không chỉ gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, dung túng cho những hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Dùng tiền thu lợi bất chính để mua đất

Trong quá trình điều tra đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT, cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi rửa tiền của bị cáo Trần Văn Thịnh thông qua việc sử dụng số tiền thu lợi bất chính để đầu tư vào bất động sản. Thịnh đã thực hiện nhiều thủ đoạn phức tạp, từ việc đứng tên chính mình, nhờ người thân đứng tên, đến chuyển nhượng tài sản qua nhiều khâu nhằm che giấu nguồn gốc phi pháp của số tiền này.

Cụ thể, tháng 12-2021, Trần Văn Thịnh sử dụng số tiền 9,8 tỉ đồng để mua một lô đất có diện tích 970,8 m2 tại huyện Củ Chi, TP HCM. Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng chỉ thể hiện giá trị 1,2 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với thực tế, nhằm mục đích che giấu số tiền bất hợp pháp.

Tháng 6-2022, Thịnh tiếp tục mua một lô đất có diện tích 457 m2 tại huyện Củ Chi với giá 5,9 tỉ đồng. Để tránh bị phát hiện, Thịnh đã nhờ bố mẹ vợ đứng tên. Sau đó, tài sản này được chuyển qua nhiều người đứng tên khác nhau nhằm xóa dấu vết, khiến việc truy xuất nguồn gốc trở nên khó khăn.

Cũng trong tháng 6-2022, Thịnh chi 4,6 tỉ đồng để mua 2 lô đất hơn 1.000 m2 tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Để che giấu giao dịch này, Thịnh tiếp tục nhờ bố mẹ vợ đứng tên trên giấy tờ sở hữu.

Đáng chú ý, trong một giao dịch khác, Nguyễn Thị Thanh Thảo, giám đốc một công ty, nợ Thịnh 1,2 tỉ đồng tiền phí hóa đơn GTGT khống. Để thanh toán khoản nợ này, Thảo đã chuyển giao 2 lô đất trị giá 1,5 tỉ đồng cho Thịnh. Tuy nhiên, giá trị khai báo được đẩy lên đến 3,5 tỉ đồng. Để che giấu, Thịnh nhờ Nguyễn Thị Định và con trai bà Định đứng tên tài sản.

Với những thủ đoạn tinh vi và nhiều lớp che giấu, Trần Văn Thịnh đã sử dụng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp để đầu tư, chuyển nhượng và sở hữu bất động sản. Tổng giá trị các giao dịch liên quan được xác định lên tới 32,5 tỉ đồng. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc tài sản bất hợp pháp.

Giữa những tiết lộ chấn động, dư luận đang chờ đợi phán quyết cuối cùng của hội đồng xét xử.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Theo đại diện VKSND TP HCM, vụ án mua bán hóa đơn khống của Trần Văn Thịnh và nhóm cán bộ thuế liên quan là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trần Văn Thịnh mức án lên tới 30 năm tù với các tội “Mua bán hóa đơn trái phép”, “Rửa tiền” và “Đưa hối lộ”; Bùi Văn Bảo mức án từ 12-14 năm tù về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Đưa hối lộ”.

Các cán bộ thuế gồm: Lê Thành Nhân, Trần Quốc Duy và Vương Quốc Hùng lần lượt bị đề nghị mức án từ 7 đến 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Bùi Thanh Liêm bị đề nghị 2-3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *