Điểm tựa dành cho người khuyết tật

Trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 40 m2 ở làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội của nghệ nhân Hoàng Thị Khương, gần 20 phụ nữ khuyết tật chăm chú thêu thùa. Với nụ cười tươi tắn trên môi, mới gặp bà Khương, chẳng mấy ai để ý bà bị teo một chân, đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, người phụ nữ đầy nghị lực này từng đặt chân đến nhiều nước để tham gia các diễn đàn nghệ thuật, tay nghề.

Tâm huyết với nghề

Bà Khương sinh năm 1966 trong một gia đình có 6 chị em. Khi được 3 tháng tuổi, một cơn sốt bại liệt kéo dài khiến bà teo một chân, sau này lớn lên chân thấp chân cao.

Khi lên 8 tuổi, bà Khương được mẹ khuyên học nghề thêu để phù hợp với sức khỏe. Từ đó, bà gắn bó với nghề thêu ren truyền thống của làng Quất Động đến nay.

“Nghề thêu rất tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì. Có bức tranh thêu 10 ngày xong, có bức mấy năm mới xong, thậm chí phải làm ngày làm đêm. Đặc trưng của tranh thêu Quất Động là dùng chỉ để tỉa màu chứ không nhuộm nên mất nhiều công sức hơn các nơi khác” – bà Khương cho biết.

Năm 30 tuổi đánh dấu bước chuyển mình trong sự nghiệp của bà Khương – từ thêu hàng phổ thông sang hàng kỹ thuật cao, từ người thợ sang người sáng tạo. Điều này vừa giúp bà có thu nhập trang trải cuộc sống vừa tạo đà để dấn sâu vào công việc thêu tranh nghệ thuật.

Chủ đề chính trong tranh thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương là phong cảnh quê hương và chân dung. Bà yêu làng quê Việt Nam tha thiết. Mọi tâm huyết được bà dồn vào từng đường kim mũi chỉ. Nhiều lúc mải miết thêu theo mạch cảm xúc, bà làm liền mười mấy giờ trong ngày.

Năm 2019, tác phẩm tranh thêu “Hồn quê” của bà Khương đoạt giải nhì cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Tranh thêu của bà được nhiều người nước ngoài yêu thích. Trong đó, có lần khách Nhật đã gửi thư cảm ơn đến bà.

Trong số những bức ảnh chân dung từng thêu, chủ đề về Bác Hồ luôn khiến bà xúc động. “Với bức tranh chân dung Bác, tôi thêu 2 năm mới xong. Trong lòng luôn nghĩ về Bác, lúc thêu tôi thấy ánh mắt Người như đang cười với mình. Đây là bức tranh chân dung mà tôi tâm huyết và yêu thích nhất” – bà Khương tâm sự.

NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Điểm tựa dành cho người khuyết tật- Ảnh 1.

Người lao động tại Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương yêu quý nhau như người thân trong gia đình

Thấu hiểu vì cùng cảnh ngộ

Tiếng lành đồn xa, năm 2004, khi một tổ chức phi chính phủ mời dạy thêu cho người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật ở Hà Tĩnh, bà Khương nhận lời. Từ đó, bà bắt đầu phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Thường Tín và một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức các lớp dạy thêu miễn phí cho người yếu thế ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

Năm 2013, được bạn bè và gia đình hỗ trợ, bà Khương thành lập Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, trụ sở đặt tại nhà. Công ty của bà đã nhận gần 30 người khuyết tật ở xã Quất Động vào làm việc thường xuyên với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Bản thân là người khuyết tật, bà Khương thấu hiểu sự vất vả, mặc cảm và tự ti của người cùng cảnh ngộ. Do vậy, với những trường hợp khuyết tật trí tuệ, học chậm nên sinh ra chán nản, bà luôn động viên, uốn nắn họ đến khi thêu thuần thục.

Chị An Thị Kim Tiền, ngụ xã Quất Động, bày tỏ: “12 năm nay, tôi được cô Khương hướng dẫn và chỉ bảo rất tận tình từ những mũi thêu đầu tiên. Cô còn tạo điều kiện mang hàng đến tận nhà cho nhân viên làm. Đợt dịch COVID-19, cô còn bỏ tiền túi giúp đỡ vợ chồng tôi”.

Với chị Đỗ Thị Loan, cũng ngụ xã Quất Động, bà Khương không những là một người chị mà còn là người thầy. Bà đã giúp chị vượt qua sự tự ti ban đầu để có một công việc mang lại thu nhập ổn định.

“Gọi là làm ở công ty nhưng mọi người ở đây yêu quý nhau như người thân trong gia đình. Chị Khương không chỉ dạy nghề mà còn quan tâm đến đời sống của chị em để kịp thời hỗ trợ” – chị Loan xúc động.

Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tranh thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương được chọn trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô và Hoàng thành Thăng Long. Mới đây, Diễn đàn SAMBHAV năm 2019 – tôn vinh các nghệ sĩ khuyết tật, tổ chức tại Ấn Độ – đã mời bà tham dự. Đầu năm 2024, bà được đề cử xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. 

Bất kỳ ai muốn học thêu và yêu nghề này, tôi đều dạy miễn phí. Giúp họ có nghề và ổn định cuộc sống, tôi cảm thấy hạnh phúc” – nghệ nhân Hoàng Thị Khương tâm sự.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Điểm tựa dành cho người khuyết tật- Ảnh 2.
NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Điểm tựa dành cho người khuyết tật- Ảnh 3.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *