Lúng túng với lương tối thiểu

Nghị định 74/2024/NĐ-CP (Nghị định 74, ban hành ngày 30-6) quy định mức lương tối thiểu (LTT) đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động đã có hiệu lực từ ngày 1-7. Thế nhưng, đến nay, 4 doanh nghiệp (DN) thuộc hệ thống Nidec (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn chưa điều chỉnh lương cho NLĐ vì giữa DN và Công đoàn chưa tìm được tiếng nói chung.

Công đoàn, doanh nghiệp đều gặp khó

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho hay chỉ khi có nghị định về mức LTT thì Công đoàn mới có cơ sở để thương lượng, đề xuất mức tăng lương cho NLĐ với chủ DN. Trước khi thương lượng với DN, Công đoàn còn phải tiến hành khảo sát, lấy ý kiến NLĐ về việc điều chỉnh lương. Khâu này mất nhiều thời gian thực hiện nên việc Nghị định 74 ban hành quá cận ngày thực hiện khiến DN lúng túng.

Theo ông Hồng, Công ty TNHH Nidec Việt Nam dự kiến sẽ tăng 280.000 đồng vào lương cơ bản cho tất cả NLĐ chính thức (từ 5.030.000 lên 5.310.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, Công đoàn công ty đề xuất mức tăng 302.000 đồng/người/tháng. Hiện 2 bên vẫn tiếp tục thương lượng để tìm sự đồng thuận.

Việc nghị định về LTT có hiệu lực chỉ sau 1 ngày ban hành cũng khiến Công ty TNHH Juki Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản; đóng tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) rơi vào thế khó. Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết DN này thuộc Tập đoàn Juki (Nhật Bản). Cứ mỗi 3 năm, tập đoàn sẽ thay đổi giám đốc công ty con tại Việt Nam. Việc thay đổi này khiến lãnh đạo mới khó nắm hết chính sách tiền lương của Việt Nam.

Khó khăn nữa là trước đây, giám đốc công ty con của Juki có quyền điều chỉnh tiền lương theo quy định của quốc gia trú đóng. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính sách của tập đoàn có sự thay đổi – quyền quyết định điều chỉnh tiền lương sẽ thuộc về tập đoàn. Do đó, khi công ty muốn nâng LTT thì phải báo cáo cho tập đoàn để xem xét nên sẽ mất nhiều thời gian hơn.

“Ngay khi Nghị định 74 ban hành, Ban Chấp hành Công đoàn đã họp, thống nhất phương án đề xuất nâng lương và gửi ban giám đốc duyệt. Sau đó, phương án này được chuyển cho phía tập đoàn để xin ý kiến. Đến ngày 20-7, Công đoàn mới nhận được văn bản trả lời từ phía tập đoàn, cách thời điểm chốt lương tháng 7-2024 chỉ 5 ngày. Mức tăng là 280.000 đồng cho toàn bộ NLĐ” – ông Đại cho hay.

Từ thực tế trên, ông Đại cho rằng quy định về điều chỉnh LTT hằng năm cần được ban hành sớm hơn để DN có thêm thời gian chuẩn bị nhằm điều chỉnh lương đúng hạn cho NLĐ.

Lúng túng với lương tối thiểu- Ảnh 1.

Quy định về lương tối thiểu cần được ban hành sớm để doanh nghiệp chủ động hơn khi điều chỉnh lương cho người lao động

Doanh nghiệp tìm cách xoay xở

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mới đây, Công ty TNHH Fashion Garments 2 (tỉnh Đồng Nai) cũng phản ánh về việc DN xoay xở không kịp để thực hiện các quy định tại Nghị định 74.

Công ty TNHH Fashion Garments 2 có khoảng 4.500/11.000 lao động ở 2 huyện Tân Phú và Cẩm Mỹ. Ngoài việc điều chỉnh mức tăng LTT, Nghị định 74 còn điều chỉnh vùng với một số địa phương – 2 địa bàn này được chuyển từ vùng III lên vùng II. Việc điều chỉnh này không có trong dự thảo nghị định trước đó nên công ty gặp khó khăn vì phát sinh chi phí nằm ngoài ngân sách dự toán. Mặt khác, do DN đã nhận đơn hàng với chi phí trước điều chỉnh nên sự thay đổi này cũng tác động đến chi phí sản xuất.

“Chúng tôi không đủ thời gian xây dựng, trình, duyệt kế hoạch ngân sách, kế hoạch dòng tiền, cũng như kế hoạch huy động nguồn vốn để bù vào ngân sách thâm hụt cho năm 2024. Do vậy, nên chăng chuyển thời điểm áp dụng việc thay đổi vùng của các địa phương sang đầu năm 2025, thay vì từ ngày 1-7-2024” – đại diện công ty mong mỏi.

Bà Trương Thị Lĩnh, Trưởng Phòng nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM), cho biết với các DN nước ngoài, thông thường mọi đề xuất phải có cơ sở pháp lý rõ ràng thì mới dễ được chấp thuận. Do vậy, tại công ty, sau khi có nghị định về LTT, ban giám đốc mới chốt phương án tăng lương.

Trước đó, để tránh bị động do quy định về LTT chậm ban hành, căn cứ mức LTT mà Hội đồng Tiền lương (HĐTL) quốc gia đã chốt, phòng nhân sự công ty chủ động xây dựng 3 phương án điều chỉnh lương với các mức tăng tương ứng là 280.000, 300.000 và 350.000 đồng. Kèm khoản tăng lương, phòng nhân sự cũng tính toán chi phí phát sinh liên quan việc điều chỉnh lương, như các khoản đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…, để DN cân đối tài chính.

Các phương án này đã được trình ban giám đốc Wooyang Vina II khi Nghị định 74 ban hành. Nhờ vậy, thời điểm chốt mức tăng lương của công ty và thông tin đến NLĐ là ngày 10-7, khá sớm so với một số DN. Theo đó, lương cơ bản của NLĐ sẽ tăng 350.000- 850.000 đồng/người/tháng, tùy xếp loại và vị trí. 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nói gì?

Giải đáp phản ánh của Công ty TNHH Fashion Garments 2, đại diện Cục Quan hệ lao động và Tiền lương – Bộ LĐ-TB-XH cho rằng quá trình xây dựng nghị định tăng LTT được tiến hành rất kỹ lưỡng và chặt chẽ. Từ đầu năm, HĐTL quốc gia đã chủ trì cuộc họp để đại diện NLĐ và DN thương lượng, từ đó thống nhất về thời điểm và mức tăng lương. Trên cơ sở đó, HĐTL quốc gia tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 74. Với khoảng thời gian chuẩn bị dài như vậy, không thể nói là DN không có thông tin.

Bộ LĐ-TB-XH cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị chỉ đạo rà soát, đánh giá lại việc phân vùng. Quá trình này được tiến hành bài bản, có đại diện các bên như Công đoàn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý KCN… tham gia. Khi các bên thống nhất việc phân vùng mới trình lên UBND cấp tỉnh để gửi về bộ. Do đó, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương đề nghị DN thực hiện đúng quy định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *