Hải Thượng Lãn Ông – đại danh y rời xa danh vọng

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác​ từ chối làm quan, quyết tâm theo ngành y sau khi khỏi cơn bạo bệnh ở tuổi ngoài 20, để lại hậu thế di sản đồ sộ về y lý, y thuật​ và y đức​.

“Y thuật của Hải Thượng Lãn Ông đóng góp sâu sắc và giá trị cho nền y học cổ truyền Việt Nam, những vấn đề về y đức ông nêu ra từ thế kỷ 18 vẫn phù hợp đến ngày nay”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây Y kết hợp TP HCM, nói tại hội thảo kỷ niệm 300 năm sinh đại danh y Lê Hữu Trác do Trường ĐH Văn Lang tổ chức, giữa tháng 12.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 1791) sinh tại trấn Hải Dương (tỉnh Hưng Yên ngày nay). Tên hiệu “Hải Thượng” là ghép từ địa danh phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương quê cha và xứ Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông lười”, lười biếng với danh lợi, quyền thế.

Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống học vấn cao, dòng họ ba đời đều đỗ tiến sĩ, làm những chức quan rất lớn trong triều đình nhà Lê. Do đó, ông tiếp nối gương học tập, học binh thư, võ nghệ, với tương lai về khoa cử và con đường làm quan rất hanh thông. Ông từng thi đỗ tam trường, cầm quân ra trận và thường đánh thắng giặc. Chúa Trịnh muốn cất nhắc nhưng ông từ chối, bởi những tâm tư về thời cuộc, đất nước bị phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổi dậy.

Về sau, lấy cớ anh trai mất, ông về quê Hương Sơn ẩn cư để lo cho mẹ và gia đình người anh, từ bỏ chốn quan trường. Trải qua trận ốm nặng, ông mất vài năm mới chữa khỏi nhờ lương y Trần Độc – một nho sĩ từ bỏ làm quan quay về nhà làm thuốc. Đây cũng là người thầy dạy ông những kiến thức ban đầu về chữa bệnh.

Từ đó, ông quyết tâm rời khoa cử và binh nghiệp để tập trung cho y thuật, từ chối khi được gọi trở lại cầm binh. Ông tìm mua, sưu tập các kinh điển y học và các bài thuốc gia truyền trong dân gian để tìm tòi nghiên cứu. Tác giả ảnh hưởng đến ông nhiều nhất là Đại danh y – thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400) và Chu Văn An (1292-1370).

Từ tinh hoa y học của các y gia đời trước, ông tiếp nối và sáng tạo pháp chữa trị riêng biệt, với hàng nghìn phương thuốc hữu hiệu. Trở thành thầy thuốc nổi tiếng tại Hương Sơn, ông nhận đệ tử để truyền bá kinh nghiệm, dồn tâm sức viết nên bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh. Bộ sách thể hiện y thuật đặc sắc với 28 tập, 66 quyển, phân loại bệnh học thành các lĩnh vực nội – ngoại – phụ – nhi – ngũ quan (5 giác quan), rất gần với y học hiện đại. Bộ sách lưu truyền phổ biến, được in ấn qua các thời đại và giữ gìn cho đến ngày nay. Tư tưởng điều trị của ông rất toàn diện, cả thể chất lẫn tinh thần, quan tâm việc phòng bệnh, dưỡng sinh. Nhiều nguyên lý trị bệnh của ông đến nay vẫn còn ý nghĩa quan trọng như “phù chính khu tà”, “công bổ kiêm trị”, tức tăng cường thể lực kết hợp trị bệnh.





Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh tư liệu

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh tư liệu

Theo PGS.TS Phùng Hòa Bình, nguyên trưởng bộ môn Dược học Cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội, điều mà ít người làm được là bên cạnh viết về những bệnh nhân đã điều trị hiệu quả để truyền bá kiến thức trong Y Dương Án, Hải Thượng Lãn Ông còn ghi chép tỉ mỉ, chi tiết những bệnh nhân đã được điều trị mà không hiệu quả trong Y Âm Án. Điều này thể hiện sự trung thực, sòng phẳng, đặt ra những vấn đề trong y học để người đọc suy ngẫm.

Các nội dung sách luôn có phần trích dẫn nội dung tư liệu của tiền nhân, kèm ghi rõ lời bàn luận riêng của bản thân. Ông phân tích cụ thể các trường hợp, bởi việc chữa trị phải dựa vào bối cảnh, điều kiện môi trường, biểu hiện bệnh lý, cơ địa người bệnh để áp dụng, không thể dùng một bài thuốc cho mọi trường hợp.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, nói rằng mỗi bác sĩ tốt nghiệp Đông y đều có lời thề 9 điều y huấn cách ngôn (nguyên tắc làm thầy thuốc) của Hải Thượng Lãn Ông. Nhiều học thuyết, bài thuốc của ông được ứng dụng đến ngày nay để chữa bệnh, như học thuyết thủy hỏa, bài thuốc bát vị, lục vị…

Ông khuyên người học y điều quan trọng là phải có lòng nhân. Y đức của ông là tình thương, lòng kiên nhẫn, tinh thần học hỏi và khiêm nhường. Trách nhiệm của thầy thuốc là không tham lợi, đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu. Trung thực và tôn trọng quyền con người – rất phù hợp với y học ngày nay.

Bệnh nhân được ông cư xử bình đẳng, đặt sức khỏe tính mạng con người lên trên tất cả, theo phương châm bệnh nặng trị trước bệnh nhẹ trị sau, không phân biệt đẳng cấp, thân thế. Ông quan niệm “y học không thể tách rời y đức”, “thầy thuốc cứu người là vì cứu độ sinh linh, vì người bệnh, không phải vì lợi ích cá nhân”, “phù nguy cứu cấp, mưa gió hay đêm ngày cũng không dám chối, đó là phận sự của người làm thầy thuốc”.

Theo ông, thầy thuốc chữa bệnh cho người khỏi bệnh rồi chớ có mưu cầu quà cáp, nghề y là thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch. Với những người bệnh nghèo túng, mồ côi, góa bụa, hiếm hoi, những người con thảo, vợ hiền nên chăm sóc đặc biệt, khi cần còn chu cấp giúp đỡ họ mới đáng gọi là nhân thuật.

Trong mối quan hệ đồng nghiệp, ông cho rằng phải khiêm tốn, hòa nhã, kính cẩn. Với người lớn tuổi phải kính trọng, gặp người giỏi thì coi như bậc thầy, với người kiêu ngạo thì nên nhân nhượng, còn người kém hơn mình thì dìu dắt họ. Ông luôn cảnh tỉnh, nhắc nhở về tác phong người thầy thuốc, cảnh báo về quy luật nhân quả nghề này.

Theo tiến sĩ Huỳnh Bá Lộc, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, các quan điểm y học của Hải Thượng Lãn Ông như 9 điều y huấn, 8 “tội” người thầy thuốc cần tránh được phổ biến rộng rãi trong ngành y Việt Nam, nhất là trong y học cổ truyền. Giữa các đại danh y trước và sau, ông được xem là Y Thánh của y học Việt Nam trong thời trung đại. Ở ông là sự kết hợp tài năng, thiên lý – đạo, lương tâm của người thầy thuốc.

“Cái ở ẩn của ông không phải là cái ẩn lánh đời, ưu thời hay rời bỏ, xa lánh đời sống cộng đồng mà ngược lại, ông lựa chọn sự gần gũi với mọi người để hành động và trao cho họ giá trị của mình”, tiến sĩ Lộc nói.

Không chỉ là đại danh y, Hải Thượng Lãn Ông còn là nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, triết gia về đạo, đời, về lẽ sống nhân sinh. Nhiều tác phẩm của ông được thể hiện ở dạng thơ ca. Giai đoạn chúa Trịnh triệu ông ra kinh đô chữa bệnh cho thế tử, ông viết Thượng kinh ký sự – cuốn sách cung cấp tư liệu văn hóa lịch sử giá trị cao. Việc va chạm với các ngự y triều đình (vốn đố kỵ với ông) khi chữa bệnh cũng giúp ông hình thành nên nhiều suy nghĩ về nghề thầy thuốc. Ông còn viết Nữ Công Thắng Lãm nói về cách nấu nướng những món ăn trong dân gian đương thời.

Tháng 4/2023, UNESCO vinh danh Lê Hữu Trác trong danh sách kỷ niệm 46 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử của thế giới niên khóa 2024-2025.

Lê Phương


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *