Nguyên nhân thai ngoài tử cung sau thụ tinh ống nghiệm

Thai ngoài tử cung sau thụ tinh ống nghiệm (IVF) có thể do viêm vùng chậu, tử cung bất thường hoặc có tiền sử mang thai ngoài tử cung.

“Chuyển phôi thai thụ tinh ống nghiệm vào tử cung không chắc chắn 100% thai làm tổ trong tử cung”, bác sĩ Nguyễn Phúc Hiếu, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nói, giải thích thêm rằng phôi có khoảng 12-24 giờ để di chuyển trước khi làm tổ. Do tử cung luôn co bóp, phôi thai có thể vô tình được đưa tới vị trí không mong muốn bên ngoài tử cung. Co thắt tử cung có thể đẩy phôi ngược trở lại qua ống dẫn trứng, vị trí phổ biến nhất của thai ngoài tử cung.

Buồng trứng, phần kẽ của tử cung (khu vực mà ống dẫn trứng kết nối với tử cung), cổ tử cung, khoang bụng và thậm chí vết sẹo mổ lấy thai trước cũng là những nơi phôi có thể làm tổ. Trong một số trường hợp ít gặp, thai ngoài tử cung có thể cùng tồn tại với thai kỳ bình thường trong tử cung. Bác sĩ Phúc Hiếu cho biết nguyên nhân gây thai IVF ngoài tử cung rất đa dạng.

Từng có thai ngoài tử cung: Tiền sử mang thai ngoài tử cung sau IVF có nguy cơ lặp lại. Tình trạng này do vòi trứng bị tổn thương và chưa phục hồi. Các bác sĩ có thể phải cắt bỏ vòi trứng giúp loại bỏ nguy cơ thai lạc chỗ nhiều lần tại một vị trí.

Ống dẫn trứng bất thường: Nhiều phụ nữ vô sinh do vấn đề từ ống dẫn trứng và cần điều trị bằng cách đặt phôi vào tử cung. Tuy nhiên, phôi vẫn có thể đi vào ống dẫn trứng và làm tổ ở đó do chênh lệch áp suất với tử cung khiến phôi bị hút trở lại.





Bác sĩ tư vấn phương pháp thụ tinh ống nghiệm cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ tư vấn phương pháp thụ tinh ống nghiệm cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm vùng chậu: Tiền sử bệnh viêm vùng chậu khiến phụ nữ có khả năng cao bị thai ngoài tử cung sau IVF và cả thai bình thường. Nguyên nhân gây bệnh thường do virus, vi khuẩn và nấm. Tình trạng viêm nhiễm lâu ngày không trị dứt điểm khiến vi khuẩn dễ lội ngược dòng, lan đến cổ tử cung hay vòi trứng và làm cho những bộ phận này bị tổn thương.

Phụ nữ lớn tuổi: Theo bác sĩ Hiếu, nguy cơ thai ngoài tử cung sau IVF tăng theo tuổi tác, nhất là ở phụ nữ trên 35 tuổi.

Đã phẫu thuật ống dẫn trứng: Tiền sử phẫu thuật ống dẫn trứng hoặc khung chậu là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thai ngoài tử cung sau IVF gia tăng. Tỷ lệ này tùy thuộc vào mức độ tổn thương và mức độ thay đổi giải phẫu.

Lạc nội mạc tử cung: Tình trạng này xảy ra cũng có thể do phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và cách điều trị. Lạc nội mạc tử cung gây dính ở vùng chậu và vòi trứng khiến chức năng vòi trứng bất thường.

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung sau IVF so với người không hút thuốc, do làm giảm khả năng vận động của vòi trứng và tử cung.

Bất thường tử cung: Bất thường ở tử cung có thể gây thai ngoài tử cung sau IVF vì phôi di chuyển vào vòi trứng. Sẹo, polyp hay khối u trong tử cung có thể tạo ra môi trường không thuận lợi cho phôi gắn kết và phát triển, dẫn đến thai ngoài tử cung.

Bác sĩ Hiếu hướng dẫn phụ nữ phòng ngừa mang thai ngoài tử cung sau chuyển phôi bằng cách giữ gìn vệ sinh vùng âm đạo. Người có tiền sử nạo phá thai hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai dài ngày, mang thai ngoài tử cung nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Trước khi IVF, tất cả trường hợp viêm nhiễm sinh dục đều phải được điều trị dứt điểm. Sau khi chuyển phôi, phụ nữ nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu thai ngoài tử cung như đau bụng dữ dội, dịch tiết âm đạo bất thường, ra máu, sốt, kiệt sức, ngất xỉu… cần đến ngay bệnh viện kiểm tra. Trường hợp đến trễ hoặc chủ quan có thể gây vỡ thai, xuất huyết trầm trọng, thai phụ tử vong.

Thanh Ba

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *