TP HCMBé trai 12 tuổi chơi pháo tự chế, bị phát nổ dập nát bàn tay trái, phải cắt cụt, bỏng 20% toàn thân và bỏng cả hai giác mạc.
Ngày 22/12, ThS.BS.CK1 Trần Phước Bình, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhi đa chấn thương nghiêm trọng, được mổ cấp cứu trong đêm. Trong suốt 3 giờ, các bác sĩ cắt lọc nhiều vết thương toàn thân ở tay, đùi, ngực, bụng, chăm sóc các vết thương bỏng.
“Đáng tiếc bàn tay trái của bé không thể giữ được do dập nát quá nghiêm trọng, phải cắt cụt”, bác sĩ nói. Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, tiếp tục được điều trị các vết thương.
Một tháng nay, bệnh viện tiếp nhận 4 ca bệnh đa vết thương nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ tự chế, từ 12 đến 16 tuổi. Cả 4 đều phải cắt cụt bàn tay trái.
Theo bác sĩ Bình, vết thương trên da của tai nạn hỏa khí do pháo nổ thường rất sâu, cháy xém hầu như ở toàn thân, các vị trí tiếp xúc gần thường bị dập nát nghiêm trọng. Dù giữ được tính mạng, những di chứng để lại rất nặng nề, mất nhiều chức năng cơ thể như mất hoàn toàn chức năng bàn tay, phải cắt cụt chi, mù mắt… Các bệnh nhân đều còn ở độ tuổi rất trẻ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về sau.
Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận nhiều trẻ nhập viện cấp cứu do nổ pháo tự chế. Trước đây các tai nạn do pháo nổ tập trung chủ yếu dịp lễ Tết, còn hiện nay rải rác quanh năm.
Bác sĩ khuyến cáo không nên vì tò mò mà sử dụng hoặc tự chế pháo nổ. Gia đình và nhà trường cần quan tâm, nhắc nhở trẻ, đặc biệt ở độ tuổi thích khám phá, tuyệt đối không sử dụng vật liệu gây nổ hay trộn hóa chất chế tạo pháo. Trẻ cần được giáo dục về mức độ nguy hiểm của pháo, bao gồm nguy cơ cháy nổ, gây thương tích, tàn tật, thậm chí tử vong. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát việc buôn bán và chế tạo thuốc nổ trên thị trường.
Nếu xảy ra tai nạn, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, đánh giá vết thương và bỏng toàn thân. Tiến hành băng bó sơ cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Lê Phương