Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Hiểu sao mới đúng?

Tại Nghị định 152/2020/ NĐ-CP và Nghị định 70/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam) quy định chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp:

a. Tốt nghiệp đại học trở lên (hoặc tương đương) và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

b. Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

c. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Hiểu sao mới đúng?- Ảnh 1.

Lao động nước ngoài là chuyên gia phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề phù hợp

Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về quy định này. Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Ecco Việt Nam (tỉnh Bình Dương) nêu: “Với quy định trên công ty đang hiểu là nếu áp dụng điểm b thì người lao động không cần có bằng tốt nghiệp đại học như quy định tại điểm a. Đồng thời, điều kiện “chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam” chỉ phát sinh nếu ngành nghề mà lao động nước ngoài dự kiến làm việc không yêu cầu chứng chỉ đặc thù (như luật sư, bác sĩ…). Cách hiểu của chúng tôi có đúng không?”

Đối với yêu cầu về kinh nghiệm làm việc của lao động nước ngoài, phía doanh nghiệp cho hay các quy định hiện hành chỉ nêu chung chung là “phù hợp với vị trí công việc mà lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”, khiến họ không rõ liệu lao động nước ngoài có buộc phải có kinh nghiệm làm việc tại các công ty có trụ sở ở nước ngoài không hay có kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài đóng ở Việt Nam cũng được, chỉ cần kinh nghiệm đó phù hợp với vị trí công việc người lao động dự kiến làm?

Mặt khác, theo phản ánh của doanh nghiệp, họ đang gặp khó khăn trong việc sử dụng giấy phép lao động để chứng minh kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài. Quy định thì yêu cầu người lao động có kinh nghiệm làm việc phù hợp với ví trí công việc dự kiến làm. Song, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, chức danh ghi trên giấy phép lao động cũ (ở công ty cũ) phải giống với chức danh trên giấy phép lao động mới thì mới có thể sử dụng để chứng minh kinh nghiệm làm việc. 

“Như vậy, nếu người lao động có kinh nghiệm phù hợp nhưng chức danh ghi trên giấy phép lao động không giống nhau thì không thể sử dụng để chứng minh kinh nghiệm làm việc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài” – Đại diện một doanh nghiệp tại Bình Dương chia sẻ.

Giải đáp các vấn đề trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho hay theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP, người lao động nước ngoài là chuyên gia phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. 

Do đó, trường hợp người lao động nước ngoài không có giấy tờ chứng minh được tốt nghiệp từ đại học trở lên thì phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Về vấn đề kinh nghiệm làm việc thì theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 70/2023/NĐ-CP, giấy tờ chứng minh kinh nghiệm phải là văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *