Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Lão hóa Hinda và Arthur Marcus, Mỹ, đã nghiên cứu giấc ngủ của người cao tuổi, cho thấy nhiệt độ phòng từ 20 đến 25 độ C là lý tưởng.
Nhiều người có thói quen thư giãn trước khi ngủ như tắm nước nóng, đọc sách hoặc lướt điện thoại. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy nhiệt độ phòng ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lão hóa Hinda và Arthur Marcus, Mỹ, đã ghi lại kết quả từ 50 người từ 65 tuổi trở lên trong 1,5 năm. Thông qua thiết bị theo dõi giấc ngủ, họ đã xem xét tác động của nhiệt độ phòng ngủ đến chất lượng giấc ngủ của những người tham gia.
Sau khi phân tích 11.000 đêm, kết luận cho thấy những người tham gia ngủ ngon nhất khi nhiệt độ phòng ngủ từ 20 đến 25 độ C. Trong khoảng nhiệt độ này, họ ít trằn trọc nhất, với 20 độ C là nhiệt độ lý tưởng.
Giấc ngủ kém hiệu quả nhất xảy ra khi nhiệt độ tăng lên 30 độ C, với hiệu suất giảm từ 5 đến 10%. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nhìn chung, phát hiện của chúng tôi chỉ ra một khoảng nhiệt độ tối ưu, giúp giấc ngủ hiệu quả và thoải mái nhất khi nhiệt độ môi trường ban đêm từ 20 đến 25 độ C”.
“Những quan sát của chúng tôi chỉ ra cơ hội cải thiện giấc ngủ ở người cao tuổi bằng cách tạo ra môi trường sống thoải mái hơn”, các nhà nghiên cứu tiết lộ.

Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ phòng từ 20 đến 25 độ C là lý tưởng. Ảnh: Pexels
Một nghiên cứu khác trên gần 500.000 người trưởng thành từ 38 đến 73 tuổi cho thấy 7 giờ là thời lượng ngủ tối ưu cho nhóm tuổi này, giúp cải thiện chức năng nhận thức và sức khỏe tinh thần.
Giáo sư Barbara Sahakian, Khoa Tâm thần học, Đại học Cambridge, giải thích: “Cứ mỗi giờ bạn lệch khỏi 7 giờ, tình trạng của bạn sẽ trở nên tồi tệ hơn. Rõ ràng các quá trình diễn ra trong não bộ khi ngủ rất quan trọng để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần”.
“Tôi nghĩ điều đó cũng quan trọng như việc tập thể dục”, bà nói, thêm rằng ngủ ngon giấc rất quan trọng ở mọi giai đoạn cuộc đời, đặc biệt là khi về già.
Mặc dù nhiều chuyên gia trước đây khuyên nên ngủ 8 giờ, nhưng nghiên cứu này kết luận rằng ngủ quá nhiều cũng có hại như ngủ không đủ giấc. Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với chức năng nhận thức hàng ngày, bao gồm tốc độ xử lý, trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng tập trung thị giác. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng này.
Mỹ Ý (Theo Mirror)