Thường xuyên nhịn tiểu lâu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng tiểu, giãn bàng quang, suy yếu cơ sàn chậu, hình thành sỏi bàng quang.
Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu trước khi đào thải ra ngoài. Khi nước tiểu đầy một nửa, bàng quang gửi tín hiệu về não bộ, tạo cảm giác muốn đi tiểu, đồng thời điều khiển bàng quang nhịn tiểu.
TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người trưởng thành khỏe mạnh thỉnh thoảng nhịn tiểu không ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, người có thói quen nhịn tiểu lâu có thể gặp các vấn đề sau:
Giãn bàng quang: Bàng quang chứa lượng nước tiểu khoảng 150-250 ml bắt đầu căng và giãn ra, xuất hiện cảm giác muốn đi tiểu. Càng nhịn tiểu lâu, lượng nước tiểu dồn ứ càng lớn khiến bàng quang giãn ra, không thể co lại, gia tăng sức chứa tối đa, có thể làm tổn thương cơ bàng quang, giảm dần phản xạ muốn đi tiểu tự nhiên. Nếu cơ quan này giãn quá mức có thể gây liệt cơ bàng quang, không thể phục hồi.
Nhiễm trùng đường tiểu: Đi tiểu là cách cơ thể đào thải vi khuẩn gây bệnh ra khỏi hệ tiết niệu. Thường xuyên nhịn tiểu lâu tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn niệu. Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như tiểu máu, nước tiểu đục có mùi hôi, tiểu nóng rát…
Sỏi đường tiết niệu: Nước tiểu có nồng độ chất khoáng cao. Nếu nhịn quá lâu, các chất khoáng có cơ hội lắng đọng, dần kết tinh thành sỏi trong bàng quang.
Suy yếu cơ sàn chậu: Thói quen xấu này còn có thể ảnh hưởng đến hệ cơ sàn chậu, nhất là cơ vòng niệu đạo có chức năng siết lại ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài, dẫn đến són tiểu không tự chủ, nhất là khi ho, hắt hơi, cười lớn…
Đau: Bàng quang chứa quá nhiều nước tiểu sẽ giãn ra, gây đau nhức, khó chịu ở vùng bụng dưới.
Tổn thương thận: Thói quen này lâu ngày tạo điều kiện để nước tiểu chảy ngược lên thận, gây ứ nước trong thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng thận, hình thành sỏi thận, nguy hiểm nhất là suy giảm chức năng thận.
Bác sĩ Phúc Liên khuyên đi tiểu đều đặn mỗi 2-3 giờ, tránh để bàng quang quá đầy. Trường hợp gặp bất thường như tiểu khó, ra máu, bí tiểu hay không tự chủ, mất cảm giác muốn đi tiểu… người bệnh cần đến bác sĩ tiết niệu để khám, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |