Lần đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son đã đóng góp 2 bàn thắng cùng 2 đường chuyền thành bàn trong chiến thắng 5-0 trước Myanmar (tối 21-12) để góp công lớn giúp ĐTVN đoạt vé vào bán kết với vị trí đầu bảng B.
Bóng đá thời hội nhập
Trước trận Việt Nam tiếp đón Myanmar, có hai luồng ý kiến, ủng hộ và không ủng hộ nhập tịch những cầu thủ không mang huyết thống người Việt, cụ thể là trường hợp Nguyễn Xuân Son, cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Brazil với tên gọi là Rafaelson Bezerra Fernandes.
Những ý kiến chưa đồng tình hoặc không vui và cho rằng không có gì phải tự hào khi ĐTVN chiến thắng với nguồn nhân lực nhập tịch như Xuân Son, minh chứng là hơn 15 năm trước ĐTVN từng có những cầu thủ nhập tịch như Xuân Son hôm nay mà không thành công.
Chúng ta hãy cùng nhìn ra thế giới bóng đá, từ thập niên 1950- 1960 thế kỷ trước đã có vài cầu thủ danh tiếng sinh ra ở một quốc gia khác nhưng lại thi đấu cho quốc gia thứ hai, thứ ba như “Mũi tên vàng” Di Stefano sinh ra ở Argentina nhưng có quãng thời gian thi đấu cho đội tuyển Colombia rồi Tây Ban Nha.
Ha Ferenc Puskas, danh thủ được FIFA lấy tên đặt cho giải thưởng “Bàn tháng đẹp nhất năm” kể từ 2009, cũng sinh ra ở Hungary rồi sau đó đá cho đội tuyển Tây Ban Nha. Có điểm chung là Di Stefano và Puskas từng thi đấu chung với nhau ở câu lạc bộ Real Madrid và sau đó khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha dù rằng trước đó cả hai từng đá cho đội tuyển quốc gia nơi họ sinh ra.
Gần hơn là cách đây hơn 3 thập niên, truyền thông còn ngạc nhiên, háo hức cùng nhau đưa tin những cầu thủ sinh ra ở một nơi nhưng lại thi đấu cho đội tuyển quốc gia ở châu Âu. Sau này đến lượt châu Á mà Nhật Bản gần như là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chính sách nhập tịch, và đội Nhật Bản tại World Cup 1998 có cầu thủ nhập tịch người Brazil.
Đội tuyển Hà Lan vô địch EURO 1988 với những siêu sao sinh ra ở Surinam, thuộc địa cũ của Hà Lan, đã tuyên bố độc lập năm 1975. Đó là những ai? Là thủ quân Ruud Gullit, là lá phổi Frank Rịkaard và sau này ai cũng biết đó là những Patrick Kluivert, Edgard Davids, Clarence Seedorf và gần như kể từ 1988 cho đến nay, đội tuyển Hà Lan luôn có những tuyển thủ mang huyết thống Surinam.
Tuy nhiên Pháp mới là đội tuyển quốc gia có nhiều cầu thủ mang hai quốc tịch nhiều nhất. Thành công của bóng đá Pháp có dấu ấn từ những cầu thủ gốc Phi nhập cư theo gia đình từ nhỏ. Pháp lần đầu tiên vô địch World Cup với dàn ngôi sao có nguồn gốc hoặc sinh ra ở châu Phi như trung vệ Marcel Desailly sinh ra ở Ghana; tiền vệ Patrick Vieira (Senegal) hoặc thủ lĩnh Zidane có nguồn gốc Algeria; tiền đạo Thierry Henry, hậu vệ Lilian Thuram – tác giả hai bàn thắng giúp Pháp thắng ngược Croatia 2-1 để vào chung kết World Cup 1998 có gốc Guadeloupe; tiền vệ biên Chiristian Karembeu (New Caledonia)…
Dù có không ít ý kiến “chiến thắng không phải của người Pháp” khi có nhiều tuyển thủ có nguồn gốc ngoài quốc gia hình lục lăng, nhưng tất cả chìm dần trước xu hướng toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực chứ không riêng gì bóng đá.
Và, khi đội tuyển Pháp vô địch World Cup lần thứ hai năm 2018 tại Nga, 19/23 tuyển thủ Pháp có hai quốc tịch trong đó có đến 20 cầu thủ nhập cư trực tiếp hoặc gián tiếp và 15 trong số đó có nguồn gốc châu Phi. Tại World Cup 2022, 17/26 tuyển thủ Pháp có nguồn gốc châu Phi và ước chừng không quá 7 tuyển thủ thuần Pháp.
Rõ ràng đội tuyển Pháp là đội bóng đa sắc tộc, với nhiều thành viên thuộc cộng đồng người nhập cư. Họ sẽ rất mạnh nếu đoàn kết và ngược lại sẽ không là đội bóng hàng đầu thế giới nếu chia rẽ. Nhưng đâu chỉ có Pháp, đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 với nhạc trưởng tấn công Mesut Ozil (nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ). Trước đó từ World Cup 2002 là Miroslav Klose, chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất ở các vòng chung kết World Cup (16 bàn) có gốc Ba Lan.
Tại World Cup 2010, đội tuyển Đức có đến một nửa là các cầu thủ gốc Tunisia, Nigeria, Ghana, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil. Và Wolrld Cup 2010 đã chứng kiến sự kiện hai anh em ruột khoác áo cho hai đội tuyển quốc gia đối đầu nhau là người em Jerome Boateng (Đức) thi đấu với anh ruột Kevin-Prince Boateng (Ghana).
Hay như đội tuyển Tây Ban Nha vô địch EURO 2008 cũng nhờ có tiền vệ trung tâm sinh ra ở Brazil là Marcos Senna. Thậm chí ngay đội tuyển Brazil, xứ sở “xuất khẩu” nhiều cầu thủ thi đấu cho các đội tuyển quốc gia trên thế giới – trong đó có Việt Nam từ hơn 15 năm trước như thủ môn Santos, tiền đạo Kesley Alves hay hôm nay là Rafaelson – cũng có cầu thủ nhập tịch sinh ra ở Bỉ là tiền vệ tấn công Andreas Pereira.
Tóm lại, giờ đây gần như không có đội tuyển quốc gia nào quay lưng với nguồn cầu thủ – nguồn nhân lực đến từ bên ngoài biên giới nền bóng đá của họ nữa.
Không thể đứng ngoài cuộc
Đã đến lúc, dù trễ, BĐVN cần tận dụng nguồn nhân lực nhập tịch. Sự xuất hiện của nguồn lực này là động lực buộc các cầu thủ bản địa phải nỗ lực phấn đấu nếu muốn được triệu tập vào đội tuyển và có suất chính thức, đây sẽ là trào lưu tích cực.
Ở cấp câu lạc bộ, cụ thể trên đấu trường V-League, cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa nguồn lực nhập tịch với các cầu thủ trong nước sẽ đem lại tín hiệu tích cực cho sự phát triển của BĐVN.
Ngoài ra trong bối cảnh thành tích BĐVN đang đi xuống, nếu đội tuyển không thành công ở ASEAN Cup 2024, chắc hẳn sẽ khiến cho nỗi thất vọng của người hâm mộ BĐVN càng thêm lớn hơn. Sự bổ sung Nguyễn Xuân Son là rất cần thiết và kịp thời và chúng ta cũng đã thấy hiệu quả bước đầu.
Sau trận thắng Myanmar để giành quyền vào bán kết gặp Singapore, vé bán online trận đấu giữa Việt Nam với Singapore vào ngày 29-12 đã bán hết sạch chỉ trong vòng 15 phút. Có lẽ tình yêu BĐVN của người hâm mộ đã trở lại!
Theo các nhà chuyên môn, hãy trả bóng đá trở về với đúng sứ mạng lịch sử: luôn mang đến tinh thần đoàn kết và là mắt xích kết nối mọi người lại gần với nhau mà không phân biệt giai cấp, màu da hay quốc tịch.