Bé trai bị viêm mô tế bào do viêm da cơ địa

TP HCMBé Khánh, 2 tuổi, thường xuyên gãi ngứa do mắc bệnh viêm da cơ địa gây trầy xước tai, vi khuẩn xâm nhập vào vết thương dẫn đến viêm mô tế bào.

Bé Khánh bị viêm da cơ địa từ nhỏ, bác sĩ kê đơn thuốc điều trị. Khoảng 6 tháng trước, bé ngưng sử dụng thuốc dưỡng ẩm và corticoid bôi ngoài da nên bệnh tái phát, gãi nhiều làm trầy xước tai, chảy mủ, có mùi hôi. Gia đình đưa bé từ Nhật Bản về Việt Nam điều trị, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng sốt cao 5 ngày, nhiều vết thương sưng đỏ xuất hiện ở tai, quấy khóc.

Ngày 16/12, BS.CKI Nguyễn Hữu Bảo Hân, khoa Nhi, cho biết bé bị viêm mô tế bào do vi khuẩn xâm nhập vào vết thương ở vùng tai, sau đó lan rộng vào sụn, vành tai, ống tai ngoài. Vết thương gần cơ quan thần kinh nên nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào não gây viêm màng não.

Các bác sĩ khoa Nhi và Tai mũi họng hội chẩn, chỉ định truyền thuốc kháng sinh, chăm sóc vết thương kết hợp dùng thuốc nhỏ tai hỗ trợ cho bé. Sau 48 tiếng truyền kháng sinh, bé hết sốt, bớt ngứa. Sau 14 ngày sử dụng kháng sinh, vết thương lành, sức khỏe ổn định, bé được xuất viện.

Theo Liên đoàn các Hiệp hội Da liễu Quốc tế (ILDS), viêm da cơ địa ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, với biểu hiện da đỏ rát, ngứa, khiến người bệnh khó chịu và thường xuyên cào gãi hoặc chà xát.

Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn tụ cầu vàng (Streptococcus) và liên cầu (Staphylococcus) xâm nhập vào lớp bên dưới da, gây ra tổn thương, nhiễm trùng. “Các loại vi khuẩn này vốn tồn tại trên bề mặt da nhưng không gây hại”, bác sĩ Hân nói, thêm rằng nếu trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc có vết trầy xước tạo điều kiện thuận lợi cho chúng đi vào cơ thể gây bệnh.

Viêm mô tế bào có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, lan rộng đến hạch lympho và đi vào máu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng.

Viêm da cơ địa không gây biến chứng nguy hiểm nhưng người bệnh gãi ngứa dễ dẫn đến viêm da, nhiễm trùng từ vết thương. Bệnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống của người bệnh, cần được điều trị loại bỏ triệu chứng, giảm ngứa và viêm, dưỡng ẩm, chống nhiễm trùng da…

Bác sĩ Hân cho biết trẻ bị viêm da cơ địa ở giai đoạn nhẹ, phụ huynh nên vệ sinh cho bé sạch sẽ, bôi thuốc dưỡng ẩm. Khi bệnh nặng hơn, bé cần được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh viêm da cơ địa dễ khởi phát bởi các yếu tố môi trường. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch, giữ môi trường sống sạch sẽ. Trẻ mặc quần áo mềm mịn, thân thiện với làn da, tránh thực phẩm có thể gây khởi phát và tăng tình trạng như trứng gà, sữa, thịt bò… Trẻ mắc bệnh cần được cắt móng tay sạch sẽ, tránh gãi, cào xước gây nhiễm trùng.

Đình Lâm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *