Bệnh ho gà tăng ở Hà Nội do miễn dịch cộng đồng giảm

Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị gần 400 trẻ bệnh ho gà trong tháng 7, gấp 10 lần tổng cộng 4 tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng do miễn dịch giảm.

Phần lớn là bệnh nhi dưới một tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh ho gà. Hiện, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị gần 40 trẻ ho gà, trong đó một bệnh nhi nặng phải thở máy. Đây là bệnh viện nhi tuyến cuối, tiếp nhận trẻ ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Trường hợp mới nhất là bé gái 24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn, ho nhiều cơn, tím mặt, trớ nhiều đờm trắng quánh dính. Trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bé bị ho nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Khoảng một tuần trước khi nhập viện, bé ho húng hắng, không sốt, sau đó ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương lấy mẫu dịch đường hô hấp xét nghiệm, kết quả bé mắc bệnh ho gà. Ngày 29/7, sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

“Số lượng bệnh nhân ho gà đang gia tăng“, đánh giá của Sở Y tế. Tuần qua, Hà Nội thêm 7 ca ho gà, nâng số ca lên 200 kể từ đầu năm đến nay, phân bố ở 29 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Lý giải nguyên nhân tăng nhanh ca mắc, các chuyên gia cho rằng mầm bệnh ho gà đang lưu hành trong cộng đồng. Theo đó, thời tiết miền Bắc mưa, ẩm thuận lợi cho virus, vi khuẩn truyền nhiễm phát triển. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng ho gà giảm do khan hiếm vaccine thời gian qua khiến trẻ càng dễ mắc bệnh.

Bình thường trẻ em trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một vài ca lớn tuổi đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do chưa được tiêm mũi nhắc lại.

Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội chưa công bố tỷ lệ tiêm chủng ho gà hiện nay trong cộng đồng.

Một bệnh nhi đang điều trị ho gà tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một bệnh nhi đang điều trị ho gà tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS.BS Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng.

Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo là 3 mũi đầu tiên, sau đó nhắc lại vào 3 giai đoạn 16-18 tháng tuổi, 4-5 tuổi và khi vị thành niên. Tiêm chủng thời kỳ mang thai giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh ho gà cho con, đồng thời cung cấp kháng thể bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.

Hồi tháng 4 Bộ Y tế có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống sởi và ho gà. Bộ Y tế cũng đề nghị thúc đẩy tiêm chủng thường xuyên cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi. Khuyến cáo thai phụ tiêm ngừa đầy đủ để tạo “lá chắn” miễn dịch cho trẻ em, cộng đồng.

Lê Nga


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *