Gần 680 triệu USD dòng tiền bị rút ròng từ các quỹ ETF Bitcoin khiến thị giá đồng này bốc hơi 10% về sát 92.000 USD.
Bitcoin (BTC) một lần nữa mất mốc 100.000 USD và đi quanh khu vực 95.000-97.000 USD suốt chiều nay.
Đến khoảng 19h10 (tức 7h10 giờ địa phương), BTC bất ngờ sụt mạnh về 92.175 USD một đơn vị, mất giá 10% chỉ sau 24 giờ. Nếu so với kỷ lục hồi 17/12, tiền số lớn nhất thế giới mất gần 16.100 USD. Vốn hóa cũng giảm theo tốc độ tương tự, khiến BTC lùi về vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng tài sản lớn nhất toàn cầu.
Sau đó, giá thị trường cải thiện lên vùng 94.000 USD. Tuy nhiên, đây vẫn là khoảng cách lớn so với đỉnh giá 106.500 USD cách đây 3 ngày.
Cú sập của Bitcoin diễn ra sau khi thị trường ghi nhận hiện tượng chốt lời mạnh của nhóm nhà đầu tư “cá mập”.
Theo số liệu từ công ty đầu tư Farside Investors có trụ sở tại Anh, các quỹ ETF Bitcoin (một loại quỹ giao dịch trên thị trường chứng khoán, đầu tư chủ yếu vào Bitcoin) giao ngay của Mỹ chứng kiến dòng tiền rút ròng lớn nhất từng được ghi nhận là 679 triệu USD. CoinTelegraph đánh giá đợt xả hàng này mang tính “thanh tẩy”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái trên giúp loại bỏ đầu cơ quá mức cho thị trường. Dẫu vậy, những người tham gia thị trường lâu năm vẫn lo ngại điều tồi tệ hơn còn xảy ra.
Khoảng 900 triệu USD tài sản số đã bị thanh lý trong vòng 24 giờ, theo dữ liệu từ CoinGlass. Những thay đổi trong chính sách vĩ mô của Mỹ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giảm tốc trong hạ lãi suất năm sau, đã cắt ngắn đợt phục hồi của các tài sản rủi ro trên diện rộng.
Thêm vào đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng cơ quan này “không được phép sở hữu Bitcoin” theo Đạo luật Cục Dự trữ liên bang. Ông nhấn mạnh họ cũng không có ý định sửa đổi luật để tham gia vào xây dựng kho dự trữ tiền số theo ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
“Mặc dù rất dễ đổ lỗi cho việc bán tháo là do Fed, nhưng chúng tôi tin rằng nguyên nhân gốc rễ của sự sụp đổ bởi thị trường ở trạng thái tăng trưởng quá mức”, nhóm phân tích của nền tảng tiền số QCP Capital nhấn mạnh.
Tiểu Gu (theo CoinTelegraph, CoinDesk)