Bộ trưởng Công Thương nói về công tác cán bộ khi kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường

Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).

Bộ trưởng Công Thương nói về công tác cán bộ khi kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị

Liên quan đến nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng QLTT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết dự kiến kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục QLTT thuộc Sở.

“Đây là điều khá tiếc nuối nhưng là việc không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và chỉ đạo, toàn lực lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ.

Bộ Công Thương sẽ thiết kế cơ chế để đảm bảo quyền lợi chính sách cho cán bộ quản lý đến công chức thực thi công vụ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực lượng và từng cơ quan, đơn vị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học), nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị (tổ, đội).

“Tuyệt đối không để phát sinh mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hóa sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác QLTT bị buông lỏng” – Bộ trưởng chỉ đạo.

Về phương án dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương dự kiến kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường. Thành lập Cục Quản lý giám sát thị trường nội địa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước. Chuyển 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Hợp nhất Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực, tên đơn vị mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Điện lực.

Hợp nhất Cục Công Thương địa phương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ, tên Cục mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Đổi tên Vụ Kế hoạch – Tài chính thành Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp. Chuyển chức năng tổng hợp tình hình phát triển công nghiệp và thương mại địa phương của Cục Công Thương địa phương về Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp….

Chuyển chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp của Cục Công Thương địa phương về Cục Công nghiệp…

Đối với các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước do Bộ Công Thương quản lý ngành, lĩnh vực, tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *