Bướu giáp thòng xuống lồng ngực làm hẹp khí quản

TP HCMAnh Khương, 26 tuổi, mắc bệnh cường giáp di truyền, bướu giáp tiến triển thòng xuống lồng ngực gây hẹp khí quản.

Anh Khương uống thuốc điều trị cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) ba năm nay, gần đây bướu giáp lớn hơn. ThS.BS Trần Thúc Khang, Phó khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chỉ định siêu âm và chụp CT cổ ngực cho người bệnh. Kết quả cho thấy hai thùy giáp kích thước lớn, có vài nhân hỗn hợp, thùy trái lớn thòng xuống lồng ngực (trung thất). Bướu nằm ngay trên quai động mạch chủ và đè ép, gây hẹp 40% đường kính khí quản. Hiện tình trạng cường giáp của bệnh nhân ổn định.

ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, đánh giá khối bướu lớn gây hẹp khí quản, người bệnh béo phì (BMI = 27), cổ ngắn, khó đặt nội khí quản. Các bác sĩ dự trù có khả năng phải phẫu thuật chẻ xương ức nếu không thể lấy bướu giáp từ đường cổ, nguy cơ chảy máu cao do cường giáp khiến mạch máu tăng sinh nhiều.

Dưới sự hỗ trợ của ống nội soi phế quản, kíp mổ cắt toàn bộ thùy trái tuyến giáp và bán phần thùy dưới bên phải. Cách này nhằm giảm tình trạng cường giáp, ngăn ngừa biến chứng suy tim, loãng xương, bướu mắt.

Sau mổ, anh Khương được điều trị giảm đau, kháng viêm, kết quả giải phẫu xác định bướu lành tính. Bác sĩ chẩn đoán dây thần kinh quặt ngược thanh quản không bị ảnh hưởng (không khàn tiếng), các tuyến cận giáp được bảo tồn (không tê tay chân hay có triệu chứng hạ canxi máu). Anh xuất viện sau mổ hai ngày, tiếp tục theo dõi mỗi 6 tháng để kiểm tra chức năng tuyến giáp, phòng bệnh tái phát.





Bệnh nhân được kiểm tra tình trạng sức khỏe sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bệnh nhân được kiểm tra tình trạng sức khỏe sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bướu cổ là bệnh lý nội tiết phổ biến, có thể liên quan đến lượng hormone tuyến giáp không đều (cường giáp hoặc suy giáp). Tuyến giáp chủ yếu phát triển về phía trước hoặc phía bên cổ. Nếu tuyến giáp phát triển phía dưới và đi qua lỗ ngực vào khoang ngực được gọi là bướu cổ thòng trung thất hoặc bướu cổ dưới xương ức. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai thùy tuyến giáp, chèn ép khí quản, dính vào thực quản, mạch máu…

Theo bác sĩ Thủy, nguyên nhân phổ biến nhất gây bướu cổ là thiếu iốt. Một số bệnh lý như bệnh tự miễn (Basedow, Hashimoto), viêm tuyến giáp, u tuyến giáp… có khả năng gây gia tăng kích thước tuyến giáp. Các yếu tố khác bao gồm thuốc, di truyền, môi trường… cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Bác sĩ Khang cho biết bướu giáp thòng vào trung thất thường lành tính, nhưng nguy cơ cao gây chèn ép, nhất là khí quản. Sau mổ những trường hợp này, ngoài những biến chứng của phẫu thuật bướu giáp nói chung thì biến chứng xẹp khí quản do nhuyễn sụn khí quản là đáng lo ngại nhất. Khi người bệnh bị bướu giáp lớn thòng vào trung thất, bác sĩ chỉ định phẫu thuật ngay.

Phòng ngừa bệnh bằng cách bổ sung đủ lượng iốt hàng ngày từ các thực phẩm như cá, sữa, muối ăn giàu iốt. Hạn chế dùng rau bắp cải, cải thảo, cần tây vì những thực phẩm này ngăn cản quá trình hấp thụ iốt của tuyến giáp. Thực hiện lối sống lành mạnh như không thức khuya, hạn chế uống rượu bia, tránh hút thuốc lá, tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Khám sức khỏe định kỳ giúp đánh giá chức năng tuyến giáp. Khi vùng cổ xuất hiện u, hạch cứng, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán bệnh.

Ngọc Châu

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch – lồng ngực tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *