Các hãng hàng không mua thêm máy bay Airbus và Boeing

Airbus và Boeing đều ký được các hợp đồng bán máy bay lớn trong ngày đầu tiên diễn ra triển lãm hàng không Farnborough (Anh), trị giá gần 51 tỷ USD.

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough – một trong những sự kiện lớn nhất ngành hàng không thế giới – đang được tổ chức tại Anh. Trong ngày đầu tiên, số hợp đồng mua bán máy bay trị giá 39,3 tỷ bảng (50,8 tỷ USD) đã được ký kết. ADS Group – công ty tổ chức triển lãm Farnborough cho biết con số này dựa trên giá niêm yết của các hãng.

Hãng sản xuất máy bay Airbus nhận sự chú ý lớn khi trưng bày mẫu A321XLR sắp ra mắt. Đây là máy bay thân hẹp có tầm bay xa nhất thế giới. Dòng máy bay này được giới chức châu Âu cấp phép tuần trước. Nhiều hãng hàng không đang chờ A321XLR, như Aer Lingus (Ireland) và Iberia (Tây Ban Nha), vì khả năng bay đường dài như máy bay thân rộng, với chi phí nhiên liệu thấp.

Mộ chiếc Airbus A321 tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough hôm 22/7. Ảnh: Reuters

Một chiếc Airbus A321 tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough hôm 22/7. Ảnh: Reuters

Những chiếc A321XLR đầu tiên dự kiến được giao trong quý III, chậm một năm so với kế hoạch. Việc này cho thấy vấn đề cố hữu của ngành hàng không – chậm bàn giao và chuỗi cung ứng gián đoạn.

Boeing cũng nhận được một số đơn hàng lớn. Hãng hàng không Hàn Quốc Korea Air ký hợp đồng mua 40 chiếc thân rộng, gồm 20 chiếc 777X và 20 chiếc 787-10 Dreamliner. Japan Airlines (Nhật Bản) cũng đặt hàng 10 chiếc 787-9 Dreamliners, kèm tùy chọn mua thêm 10 chiếc nữa. Boeing vẫn chìm trong khủng hoảng, sau loạt sự cố an toàn bay từ đầu năm. Tại các triển lãm hàng không gần đây, hãng này im hơi lặng tiếng, tránh trưng bày các mẫu máy bay chở khách.

Hãng hàng không Vietjet của Việt Nam cũng đặt hàng 20 chiếc A330neo của Airbus hôm 22/7.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) – được coi là đối thủ của Airbus và Boeing trong tương lai – cũng xuất hiện tại triển lãm. Tuy nhiên, họ chỉ mang đến Farnborough mô hình của chiếc C919 thân hẹp, C929 thân rộng và máy bay phản lực ARJ21. COMAC cho biết đã có vài cuộc đàm phán tại sự kiện. Tuy nhiên, hãng từ chối bình luận liệu họ đang nhắm đến hãng hàng không hay thị trường nào. Các máy bay hiện tại của hãng mới được cấp phép tại Trung Quốc.

Quan chức nhiều nước đã đến thăm gian triển lãm của COMAC. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hãng máy bay Trung Quốc lần này yên ắng hơn so với Singapore Air Show hồi đầu năm. Khi đó, họ lần đầu mang chiếc C919 ra quốc tế và công bố đơn hàng với Tibet Airlines.

Triển lãm hàng không Farnborough được tổ chức 2 năm một lần. Vài năm gần đây, sự kiện này ngày càng trở thành nơi để các hãng phô diễn sản phẩm và ký hợp đồng bán máy bay.

Farnborough năm nay còn có sự góp mặt của nhiều startup chế tạo máy bay nhỏ chạy điện, cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng (eVTOL), máy bay chạy bằng hydro và các dự án thế hệ mới khác. Boom Supersonic – công ty có tham vọng đưa máy bay siêu thanh quay trở lại – cũng có bài phát biểu ngày 23/7.

Hà Thu (theo CNBC)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *