Các loại dầu ăn có lợi cho tim mạch

Không chỉ có dầu ôliu mà dầu mè, dầu đậu nành cũng giàu chất béo tốt và chất chống oxy hóa, giúp giảm cholesterol xấu, hỗ trợ tim mạch khỏe mạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Vĩnh Bình, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kiểm soát lượng cholesterol trong máu góp phần quan trọng để giữ cho tim mạch khỏe mạnh. Một cách đơn giản nhưng hiệu quả là thay đổi thói quen ăn uống, trong đó có lựa chọn dầu ăn phù hợp. Sử dụng các loại dầu thực vật chế biến món ăn hằng ngày như dầu ôliu, dầu mè, dầu phộng, dầu bơ đem đến nhiều lợi ích. Bởi mỡ động vật chứa nhiều chất béo bão hòa, dễ làm tăng cholesterol xấu và gây hại cho tim.

Dầu hạt cải có lượng chất béo bão hòa thấp, giàu chất béo không bão hòa đơn và đa, bao gồm cả omega-3. Những thành phần này giúp cải thiện mỡ máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Dầu có hương vị trung tính và dễ sử dụng trong nhiều món ăn hằng ngày, từ xào đến làm salad.

Dầu ôliu đem đến nhiều lợi ích bảo vệ tim mạch, nhờ hàm lượng cao chất béo không bão hòa đơn (75%). Nó giúp tăng cholesterol tốt (HDL) và giảm cholesterol xấu (LDL) – yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Sử dụng dầu ô liu nguyên chất trong chế độ ăn uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim và chống viêm.

Dầu hạt lanh giàu omega-3 dạng ALA, hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm viêm, cải thiện huyết áp. Dù cơ thể chuyển đổi ALA thành EPA và DHA trong dầu hạt lanh không hiệu quả như dầu cá, nhưng đây vẫn là lựa chọn tốt cho người ăn chay. Nên được sử dụng như một loại dầu ăn nguội như trộn salad, thay vì dùng để nấu nướng.

Dầu đậu phộng dồi dào chất béo không bão hòa đơn và vitamin E giúp giảm cholesterol xấu. Dầu có khả năng chịu nhiệt cao, phù hợp để chế biến nhiều món ăn mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, dùng dầu đậu phộng với lượng vừa phải do chứa nhiều omega-6, cần cân bằng với nguồn chất béo khác trong chế độ ăn.

Dầu bơ là lựa chọn tốt cho sức khỏe tim mạch nhờ hàm lượng cao chất béo không bão hòa đơn, nhất là axit oleic. Loại chất béo này có khả năng hỗ trợ giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, từ đó cải thiện tuần hoàn và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chất chống oxy hóa như vitamin E trong dầu bơ góp phần bảo vệ thành mạch khỏi tổn thương do gốc tự do.

Dầu mè là lựa chọn có lợi để phòng ngừa các bệnh về tim mạch nhờ chứa sự kết hợp cân bằng giữa chất béo không bão hòa đơn và đa. Thành phần sesamol trong dầu mè có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Dầu mè còn góp phần điều hòa đường huyết và bảo vệ sức khỏe tim khi sử dụng điều độ trong chế biến món ăn.





Dầu mè chứa nhiều sesamol có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ảnh: Vy Phan

Dầu mè chứa nhiều sesamol có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ảnh: Vy Phan

Dầu đậu nành là nguồn chất béo không bão hòa đa dồi dào, giàu omega-3 có lợi cho tim mạch. Nhờ hàm lượng chất béo bão hòa thấp, loại dầu này hỗ trợ giảm cholesterol, góp phần bảo vệ sức khỏe tim. Với hương vị trung tính, dầu đậu nành dễ dàng sử dụng trong nhiều món ăn hằng ngày như xào, chiên hoặc trộn salad.

Bác sĩ Bình khuyến nghị lựa chọn và sử dụng dầu ăn cần dựa trên đặc tính của từng loại để tận dụng tối đa hiệu quả bảo vệ sức khỏe tim mạch. Một số loại dầu giàu chất béo không bão hòa và vitamin nên dùng trực tiếp với các món rau, salad để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng. Nhiều loại dầu không ổn định ở nhiệt độ cao, dễ bị oxy hóa và tạo ra hợp chất có hại khi nấu nướng. Mỗi người có thể bổ sung thêm tinh chất chiết xuất thiên nhiên như GDL-5 từ phấn mía Nam Mỹ hỗ trợ điều hòa mỡ máu, kiểm soát tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Người có các yếu tố nguy cơ như cao mỡ máu, cao cholesterol hay đang mắc bệnh tim mạch cần đi khám để kiểm soát bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Đình Diệu

Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp




Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *