Đeo khẩu trang đạt chuẩn và đúng cách, hạn chế ra ngoài khi chỉ số bụi mịn cao, vệ sinh mũi họng thường xuyên, góp phần bảo vệ đường thở, ngăn bệnh mũi họng.
Bụi PM2.5 là vật chất dạng hạt trôi nổi trong không khí với đường kính bằng 2.5 micromet hoặc nhỏ hơn. Bụi mịn xâm nhập vào hệ hô hấp dễ kích ứng bùng phát viêm mũi họng. Tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, nguy cơ tử vong do bệnh phổi.
ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn một số cách bảo vệ mũi họng khỏi tác hại của bụi mịn.
Hạn chế ra ngoài vào thời điểm ô nhiễm cao
Mọi người có thể sử dụng các ứng dụng AirVisual, IqAir để cập nhật chỉ số chất lượng không khí hàng ngày (AQI). Tránh ra ngoài nếu chỉ AQI ở mức rất xấu (151-300) và ở mức nguy hại (trên 300). Trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài khi chỉ số AQI mức trung bình (51-100) và kém (101-150).
Thông số bụi mịn PM2.5 thường cao nhất vào ban đêm và sáng sớm. Do đó, mọi người nên ưu tiên ở trong nhà thay vì ra ngoài tập thể dục vào các thời điểm này, nếu phải ra ngoài nên đeo khẩu trang. Hạn chế đến khu vực ô nhiễm, đông đúc, công trường xây dựng hay nơi có nhiều phương tiện giao thông, nhất là người mắc bệnh viêm đường hô hấp mạn tính (viêm mũi dị ứng, viêm xoang…).
Đeo khẩu trang đạt chuẩn
Bác sĩ Tường khuyến cáo sử dụng khẩu trang được kiểm nghiệm, có khả năng lọc bụi mịn PM2.5 như N95, KF94 và KF99. Đeo khẩu trang đúng cách, đảm bảo khẩu trang che kín mũi và miệng, không để hở hai bên. Không chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang – nơi bụi bẩn bám vào. Thay khẩu trang thường xuyên, nhất là khi bị ẩm, bẩn hoặc hiệu quả lọc bụi giảm.
Giữ không gian sống sạch sẽ
Sử dụng máy lọc không khí, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ không gian sống sạch sẽ, khô ráo, tránh ẩm ướt cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh mũi họng do bụi mịn.
Tăng cường sức đề kháng
Chế độ ăn uống lành mạnh gồm thực phẩm giàu vitamin C, E, omega-3 như cam, bưởi, cá hồi, hạt óc chó, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, miễn dịch. Uống đủ nước, tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Tập thở đúng cách, luyện tập thở sâu và đều qua mũi để lọc bụi mịn tự nhiên, giúp giảm căng thẳng cho phổi, ngăn ngừa bệnh mũi họng.
Vệ sinh hệ hô hấp, giữ ấm cơ thể
Để giảm tiếp xúc và ngăn bụi mịn tích tụ, nên súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày và sau khi đi bên ngoài về. Vệ sinh tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với bên ngoài. Giữ ấm cổ và ngực bằng khăn choàng hoặc áo cổ cao khi ra ngoài trời lạnh.
Theo bác sĩ Tường, trồng các loại cây như lưỡi hổ, nha đam, dương xỉ trong nhà có thể hỗ trợ cải thiện không khí, giảm bụi và các chất độc hại. Người làm việc trong môi trường bụi bặm nên sử dụng kính bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng và quần áo che chắn để hạn chế tiếp xúc bụi mịn.
Mọi người nên kiểm tra sức khỏe mũi họng định kỳ, nhất là người có tiền sử hen suyễn, viêm phế quản, viêm mũi họng mạn tính. Người có các triệu chứng ho kéo dài, khó thở hoặc tức ngực nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc hô hấp để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |