Cách học của thủ khoa toàn quốc môn tiếng Anh

Bắc NinhTiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, chịu khó đọc sách và tài liệu, Hồng Phong giành ngôi thủ khoa học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, sau khi về nhì và thi đạt IELTS 8.5 năm ngoái.

Lưu Hồng Phong, lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Bắc Ninh, là một trong hai thủ khoa quốc gia môn tiếng Anh với 16,4/20 điểm.

“Em rất bất ngờ. Mặc dù mãn nguyện với bài làm, em vẫn không dám kỳ vọng kết quả này”, Phong nói.

Chị Đào Thị Lộc, mẹ Phong, kể khi biết kết quả chiều 18/1, con trai “hét lạc cả giọng”, còn bản thân thì “vui sướng không tả nổi”. Năm ngoái, Phong đã thi vượt cấp và giành giải nhì với 15/20 điểm.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra cuối tháng 12 năm ngoái. Nam sinh cho hay đề tiếng Anh kiểm tra 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết trong 180 phút.

So với các kỳ thi trước, Phong nhận thấy một số điểm mới, chẳng hạn bài Đọc bỏ phần từ vựng; Viết cũng rút ngắn còn hai phần. Ngoài ra, tuy không có những câu đánh đố như mọi năm song đề chứa nhiều “bẫy”. Phong ví dụ, ở phần ngữ pháp, thí sinh dễ chia sai động từ do không để ý chủ ngữ hoặc không chú ý chi tiết nhỏ bị sai ở đáp án…

Ở phần Viết, ngoài bài tóm tắt một đoạn văn khoảng 300 từ thành 120-150 từ, đề còn có câu viết luận, tương tự bài Writing Task 2 trong IELTS. Đề bài: “Hạnh phúc của một người chỉ nên được sinh ra từ việc họ có thể dùng những thành tựu của bản thân để cống hiến cho người khác”, yêu cầu thí sinh nêu ý kiến trong ít nhất 300 từ.

Ban đầu Phong lúng túng vì thấy đề trừu tượng. Sau đó, em lập dàn ý, thu hẹp phạm vi vấn đề sẽ viết, nghĩ ý tưởng cho mở bài, kết bài và ví dụ. Với quan điểm trong đề, Phong chỉ đồng ý một phần. Nam sinh cho rằng khi dùng thành tựu để cống hiến cho người khác, ta hạnh phúc vì thành tựu đó có ý nghĩa lâu dài, không phải giây phút thoáng qua. Hơn nữa, việc này cũng khiến ta có cảm giác an toàn khi được người khác biết ơn, trân trọng.

Nhưng Phong thấy nếu định nghĩa hạnh phúc cứng nhắc như vậy sẽ phản tác dụng. Hạnh phúc của bản thân khi đó sẽ dựa hoàn toàn vào việc có cống hiến được cho người khác hay không. Nam sinh ví dụ bố mẹ dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái, mong sau này có tương lai xán lạn nhưng đôi khi không được như mong muốn khiến họ thất vọng.

Ngoài ra, hạnh phúc có nhiều dạng. Nếu chỉ chăm chăm cống hiến thì ta trở thành người lúc nào cũng đi làm hài lòng người khác mà bỏ quên hạnh phúc của chính mình.





Lưu Hồng Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lưu Hồng Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài Đọc có nhiều dạng như điền từ vào chỗ trống, chọn đáp án đúng, chọn True/False/Not Given (Đúng/Sai/Không có)… Nam sinh thấy dạng đầu khó nhất vì phải suy luận một từ phù hợp để điền. Nhờ kỹ năng đọc tốt, vốn hiểu biết và từ vựng phong phú, Phong làm bài suôn sẻ, có thời gian đọc lại và cân nhắc đáp án.

Ở bài Nói, thí sinh bốc thăm chủ đề ngẫu nhiên và có 5 phút chuẩn bị. Đề của Phong là: “Giữ một thái độ tích cực là điều quan trọng để duy trì mối quan hệ cá nhân và trong môi trường chuyên nghiệp. Ở khía cạnh nào đó, em đồng tình hay phản đối?”.

Nam sinh vừa đồng ý, vừa phản đối. Em cho hay khi thể hiện sự tích cực, người đối diện sẽ cảm thấy được chào đón, muốn kết nối và điều này tốt cho mối quan hệ. Trong môi trường chuyên nghiệp, giữ thái độ tích cực chứng tỏ bạn là người kiểm soát cảm xúc tốt.

Tuy nhiên, đôi khi thể hiện sự tích cực quá lại khiến bạn trở nên vô cảm nếu những người xung quanh đang tâm trạng. Họ sẽ có cảm giác bạn coi nhẹ mọi thứ và là người hời hợt.

“Em hơi tiếc vì có thể đã kết bài hay hơn”, Phong chia sẻ.

Bài Nghe về môi trường, khí hậu, lốc xoáy, khai thác cát…, theo nam sinh là khá quen thuộc nhưng tốc độ băng nhanh nên ở nhiều câu, Phong phải vận dụng tư duy logic để đoán.

Nam sinh cho biết có mẹ là giáo viên tiếng Anh nên được tiếp xúc với ngôn ngữ này từ sớm. Ngày nhỏ, Phong thích xem hoạt hình trên kênh Disney Channel. Em xem đi xem lại đến thuộc lời thoại rồi bắt chước giọng điệu của nhân vật.

Những năm tiểu học, Phong hay được học bổng của các trung tâm tiếng Anh. Nhờ đó, em có cơ hội tiếp xúc với giáo viên nước ngoài. Từ lớp 4, Phong bắt đầu tham gia các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, từng giành giải nhất cấp tỉnh năm lớp 5.

Theo chị Lộc, con trai xác định lên cấp hai sẽ tập trung vào thi học sinh giỏi. Em đọc nhiều tài liệu tiếng Anh ở các lĩnh vực, từ chứng khoán, kỹ thuật, tài chính đến tiểu thuyết, văn học kinh điển… nhằm tích lũy kiến thức. Phong cũng học từ vựng trên ứng dụng Quizlet hàng ngày, xem phim và luyện nghe video hướng dẫn nấu ăn trên YouTube hoặc truyền hình thực tế.

“Con yêu ngôn ngữ, thường luyện nói ở nhà cùng mẹ và chị gái. Ngoài tiếng Anh, Phong còn tự học vài ngôn ngữ khác”, chị Lộc kể.

Năm lớp 9, em giành giải nhất cấp tỉnh và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Anh của trường chuyên Bắc Ninh. Trong hai năm tiếp theo, Phong giành huy chương đồng và bạc cuộc thi học sinh giỏi Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ, đạt IELTS 8.5.

Cô Ngô Thùy Dung, giáo viên chủ nhiệm kiêm lãnh đội, nhận xét học trò luôn trong top 3 xuất sắc của đội tuyển.

“Phong có năng khiếu, khả năng tự học tốt và quyết tâm cao”, cô Dung nói. “Em chỉn chu, kỹ năng toàn diện, truyền động lực cho các bạn trong lớp”.

Sau kỳ thi, nam sinh dự định ứng tuyển vào các đại học lớn trong nước và tìm hiểu cơ hội du học ngành Sư phạm hoặc Kinh tế.

Bình Minh



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *