Cán bộ thuế tiếp tay doanh nghiệp “ma”

Ngày 16-12, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa xét xử 55 bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn khống hơn 14.000 tỉ đồng tại TP HCM.

Thủ đoạn tinh vi

Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM đã trình bày quan điểm luận tội, khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. Các bị cáo đã lập hàng loạt doanh nghiệp “ma” để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn khống, rửa tiền, trốn thuế và hối lộ cán bộ thuế để che giấu vi phạm.

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; “Rửa tiền”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Trốn thuế”.

Cụ thể, kiểm sát viên đã đề nghị mức án lên tới 30 năm về các tội danh: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, “Rửa tiền” và “Đưa hối lộ” đối với bị cáo Trần Văn Thịnh (SN 1991; quê Lâm Đồng) – người bị đề nghị mức án cao nhất trong vụ án. Bị cáo Bùi Văn Bảo (SN 1991; quê Quảng Ngãi) bị đề nghị mức án từ 12-14 năm tù về các tội: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Đưa hối lộ”.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, Thịnh đã thiết lập quan hệ với Bảo để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống. Thịnh đã mua 2.786 hóa đơn từ 19 doanh nghiệp “ma” mà Bảo lập, tổng trị giá hơn 177 tỉ đồng. Thịnh bán lại các hóa đơn này với mức phí từ 2,5% – 3,5%, thu lợi bất chính khoảng 1 tỉ đồng. Các giao dịch tiền tệ được thực hiện qua chuyển khoản hoặc tiền mặt.

Trước đó, Bùi Văn Bảo mua lại Công ty CP Giáo dục Ánh Dương, đổi tên thành Công ty Tư vấn Thuế Ánh Dương và lập 35 doanh nghiệp “ma” để xuất hóa đơn GTGT khống. Hóa đơn được giao dịch qua ứng dụng trực tuyến như Zalo và Telegram, với mức phí từ 0,8% – 4% giá trị hóa đơn. Từ năm 2018 đến năm 2022, Bảo đã xuất 25.256 hóa đơn khống, gây thiệt hại hơn 18,8 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.

Nhận thấy những tiềm năng lợi nhuận của hành vi này, từ năm 2020 đến năm 2023, Thịnh đã lập 47 doanh nghiệp “ma” và bán 29.745 hóa đơn khống, tổng giá trị hơn 8.000 tỉ đồng. Thịnh thu lợi khoảng 70 tỉ đồng từ việc này. Thịnh còn chỉ đạo 14 nhân viên giúp sức trong việc thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng và lập chứng từ khống…

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Tham nhũng phức tạp

Đáng chú ý, để che giấu hành vi phạm tội, các bị cáo còn móc nối để đưa hối lộ cho nhiều công chức thuế. Đại diện VKS nhận định đây là vụ án tham nhũng chức vụ phức tạp, gắn liền với tội phạm kinh tế và tài chính, đòi hỏi cần xử lý nghiêm để răn đe và phòng ngừa.

Theo đó, cán bộ ngành thuế đã tiếp tay cho Thịnh, Bảo và các đường dây liên quan trong việc che giấu hoạt động của các doanh nghiệp “ma” và tạo điều kiện thuận lợi để xuất hóa đơn GTGT trái phép thông qua việc nhận hối lộ từ các đối tượng liên quan.

Đối với bị cáo Thịnh, từ năm 2020 đến 2023, Thịnh đã thông qua Bùi Thanh Bình (bị đề nghị mức án từ 18 năm 6 tháng đến 19 năm 6 tháng tù về các tội: “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và Đưa hối lộ”) để liên hệ và đưa hối lộ cho các công chức thuế tại các chi cục thuế ở TP HCM và Bình Dương. Những cán bộ thuế này đã giúp Thịnh che giấu việc sử dụng 47 doanh nghiệp “ma” để bán hóa đơn GTGT khống mà không bị phát hiện. Cụ thể, các công chức thuế bao che cho các doanh nghiệp này xuất hóa đơn trái phép với mức phí từ 0,45% – 0,8% trên tổng giá trị hóa đơn, chưa bao gồm thuế GTGT.

Lê Thành Nhân (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 12 – Hóc Môn, TP HCM) đã nhận 100 triệu đồng từ Bùi Thanh Bình để bảo vệ các doanh nghiệp “ma”; Trần Quốc Duy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 7 – Nhà Bè, TP HCM) đã nhận tiền từ Bình tổng cộng hơn 500 triệu đồng, để giúp Thịnh che giấu các doanh nghiệp “ma”; Vương Quốc Hùng (Chi cục Thuế Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã nhận hối lộ 300 triệu đồng từ Trần Quốc Duy, để bảo vệ các doanh nghiệp “ma” của Thịnh.

Ngoài ra, Bình còn khai nhận việc đưa hối lộ cho nhiều công chức thuế khác tại các khu vực như quận 12, 7, Gò Vấp (TP HCM) và Bình Dương, với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Hành vi của các công chức thuế này đã tạo điều kiện cho Trần Văn Thịnh duy trì hoạt động phi pháp của các doanh nghiệp “ma”, đồng thời làm suy yếu công tác kiểm tra, thanh tra thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Trình bày quan điểm về hành vi của các bị cáo, đại diện VKSND đã đề nghị các mức án cụ thể như sau: Lê Thành Nhân, bị đề nghị mức án từ 18 đến 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Trần Quốc Duy, bị đề nghị mức án từ 15 đến 16 năm tù cũng với tội danh này. Vương Quốc Hùng, bị đề nghị từ 7 đến 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Riêng bị cáo Bùi Thanh Liêm, cựu Đội Phó kiểm tra Thuế số 3 thuộc Chi cục Thuế Khu vực quận 7 – huyện Nhà Bè, TP HCM, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và bị đề nghị mức án từ 2 đến 3 năm tù.

Phạt nặng hành vi sử dụng hóa đơn khống

Trong vụ án này, Công ty TNHH Tân Minh Thịnh (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị đưa ra xét xử vì đã sử dụng 51 hóa đơn GTGT khống từ tháng 10-2021 đến 2-2023. Tổng trị giá ghi trên các hóa đơn là hơn 107 tỉ đồng, thuộc 6 doanh nghiệp “ma” của Trần Văn Thịnh. Công ty này đã kê khai chi phí khống để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT, gây thiệt hại hơn 31 tỉ đồng thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đại diện VKSND TP HCM đề nghị HĐXX phạt công ty này 5 tỉ đồng về tội “Trốn thuế”. Người được ủy quyền đại diện công ty là Li XiangZhe (quốc tịch Trung Quốc) bị đề nghị phạt tiền từ 200-300 triệu đồng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *