Sáng 18-12, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn là đoàn viên công đoàn”. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hội thảo.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng chế độ, chính sách và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên vùng khó khăn, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm chăm lo tốt hơn cho giáo viên vùng khó khăn, góp phần thúc đẩy chất lượng đội ngũ giáo viên. Đánh giá vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc chăm lo, đại diện bảo về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo; tuyên truyền, vận động, động viên đội ngũ nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Các đại biểu tham gia hội thảo. CLIP: VĂN DUẨN
Cô Trịnh Thị Sen, giáo viên Trường PTDT Nội trú THCS-THPT huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cho biết dù có các chính sách ưu tiên về lương và phụ cấp cho giáo viên vùng cao như phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề và trợ cấp khi nhận công tác nhưng mức thu nhập vẫn không đủ để trang trải cuộc sống.
Thực tế, thu nhập đối với giáo viên hiện còn thấp, chủ yếu là tiền lương nên chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều này khiến cho nhiều giáo viên không thể gắn bó lâu dài với nghề.
Nhiều giáo viên phải sống xa gia đình và con cái gây khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Năm học 2023-2024, tỉnh Hà Giang có hơn 120 giáo viên xin chuyển công tác về các tỉnh khác. Điều đó làm cho tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh Hà Giang càng trở nên cấp thiết và nan giải hơn.
Để giải bài toán về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên vùng cao ở Hà Giang, bà Sen kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng không khống chế thời gian hưởng (5 năm) mà áp dụng chính sách thu hút đối với công chức, viên chức trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu là cán bộ công đoàn và giáo viên trực tiếp công tác tại vùng khó khăn ở các tỉnh. Ảnh: Văn Duẩn
Còn theo thầy Đinh Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú PTHCS Mai Long, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, khó có thể kể hết những khó khăn của giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mặc dù có một số chế độ đãi ngộ đặc thù nhưng chi phí đi lại do đường xá xa xôi, giá cả các mặt hàng thiết yếu ở vùng sâu, vùng xa luôn ở mức cao (gấp 2-3 lần) so với vùng thuận lợi nên mức hỗ trợ cho giáo viên ở các vùng khó khăn thường không đủ để bù đắp cho những khó khăn trong sinh hoạt và công tác.
Xã Mai Long, nơi thầy Huấn đã gắn bó 15 năm công tác, cách trung tâm thị trấn Nguyên Bình 45 km, cách TP Cao Bằng trên 120 km, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Nơi ở của các thầy cô điểm trường trong xã là những căn phòng ghép gỗ, nền đất, lợp fibro xi măng, ẩm thấp được phụ huynh học sinh và giáo viên dựng lên ở tạm (nhưng lại thành ở thường xuyên và lâu dài).
Ông Huấn kiến nghị địa phương cần có những chính sách thu hút nguồn nhân lực tại chỗ, tuyển chọn giáo viên là con em đồng bào dân tộc về công tác tại quê hương mình, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên tại chỗ, ổn định với tinh thần “an cư” để “lạc nghiệp”. Có phương án, chính sách luân chuyển cán bộ hợp lý và công bằng để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên khi đủ thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nguyện vọng được về công tác tại các khu vực thuận lợi hơn.
Cùng với đó, trong quy hoạch trường, lớp tại các trường, điểm trường cần quan tâm dành quỹ đất, nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho giáo dục tại các địa bàn khó khăn, biên giới, nâng cao chất lượng dạy và học.
Cô Chiêm Thị Bạch Yến, giáo viên Trường Mầm Non xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non để thu hút được giáo viên và giúp các cô yên tâm công tác. Đồng thời, đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định, bởi với công việc chăm trẻ và thời gian lao động dài từ 10 đến 11 tiếng/ngày, các cô giáo đã quá 55 tuổi không đủ sức khỏe, tinh mắt và sự nhanh nhạy để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.