Cắt tuyến tiền liệt triệt căn ung thư

TP HCMÔng Phong, 70 tuổi, có khối u ác tính ở tuyến tiền liệt, được nội soi cắt toàn bộ triệt căn ung thư và ngăn tái phát.

Chỉ số PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) của ông 36.7 ng/ml, cao gấp 9 lần bình thường. PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chẩn đoán ông Phong có khối u ác tính tại tuyến tiền liệt, chỉ định phẫu thuật nội soi triệt căn ung thư. Phương pháp này tối ưu hơn mổ mở, ít xâm lấn, người bệnh ít đau, tránh được nguy cơ của cuộc mổ mở.

ThS.BS.CKII Phạm Thanh Trúc cho biết êkíp tiếp cận theo khoang tiền phúc mạc để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, ít tổn thương đường ruột sau mổ, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. Các bác sĩ bóc tách tuyến tiền liệt, cắt quanh cổ bàng quang, cắt hai ống dẫn tinh và hai túi tinh cùng toàn bộ tuyến tiền liệt. Đồng thời, bác sĩ nạo hạch bạch huyết xung quanh vùng chậu nhằm triệt toàn bộ tế bào ung thư. Sau cùng, bác sĩ khâu nối bàng quang vào niệu đạo để đảm bảo chức năng đi tiểu sau này của người bệnh và dẫn lưu dịch, máu, chất tiết ra ngoài cơ thể để phòng ngừa nhiễm trùng. Cuộc mổ giải quyết dứt điểm tình trạng ung thư, người bệnh không cần điều trị thêm sau phẫu thuật.





Phó giáo sư Chuyên (thứ hai từ phải qua) cùng êkíp thực hiện ca phẫu thuật cho ông Phong. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phó giáo sư Chuyên (thứ hai từ phải qua) cùng êkíp thực hiện ca phẫu thuật cho ông Phong. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ông Phong phục hồi nhanh chóng, ăn uống và đi lại nhẹ nhàng, được rút ống dẫn lưu sau 5 ngày và xuất viện. Ông cần theo dõi sức khỏe sau mổ và tái khám định kỳ.

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh phổ biến ở nam giới, nguyên nhân có thể do bất thường gene, độ tuổi, chủng tộc, tiếp xúc với hóa chất độc hại… Bệnh được phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.

Bác sĩ khuyến cáo nam giới từ 50 tuổi trở lên nếu có các triệu chứng như tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu máu… cần đến các bệnh viện để xét nghiệm tầm soát. Nếu gia đình có nam giới mắc bệnh, các thành viên khác nên tầm soát sớm hơn 5 năm (từ 45 tuổi trở lên).

Hà Thanh

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu – nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp




Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *