Gia đình tôi có bệnh nhân viêm gan B, thường ăn chung mâm, chấm chung chén nước mắm. Việc này có làm lây nhiễm viêm gan B không?
Trả lời:
Virus viêm gan B lây từ người nhiễm virus sang người lành qua các đường: từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở; tiếp xúc với máu của người bệnh tại vết thương hở như vết cắt, xước và cào; sử dụng chung bơm tiêm, kim tiêm với bệnh nhân. Bệnh còn có thể lây kho dùng chung các vật dụng bị nhiễm virus như bàn chải đánh răng, dao cạo râu; quan hệ tình dục không an toàn…
Viêm gan B không lây qua hắt hơi, ho, ôm, cho con bú, qua thức ăn hoặc nước uống, dùng chung đồ như sử dụng chung ly uống nước hay ăn uống chung. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt song có nồng độ thấp, khó lây nhiễm với người khác. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể lây nhiễm khi bệnh nhân gặp vấn đề về răng miệng như xước, loét, viêm lợi, chảy máu chân răng.
Vì vậy, người sống chung nhà với bệnh nhân viêm gan B không cần ăn, uống riêng để phòng lây nhiễm, tương tự với gia đình bạn. Tuy nhiên, gia đình nên hạn chế chấm chung nước chấm hoặc sử dụng chung đũa gắp thực phẩm. Việc này cũng giúp phòng các tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn HP, virus viêm gan A và E…
Để phòng bệnh, bạn và các thành viên trong gia đình (không bao gồm bệnh nhân) nên tiêm vaccine. Có 5 loại vaccine gồm: 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib và viêm gan B; viêm gan B đơn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam) hoặc vaccine phối hợp viêm gan A – B Twinrix (Bỉ).
Mũi phòng viêm gan B hiệu quả đến 98%, loại vaccine được chỉ định dựa trên độ tuổi. Sau tiêm, cơ thể có thể xuất hiện phản ứng nhẹ như: cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm, gặp ở khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em; sốt nhẹ gặp ở khoảng 1 đến 6%. Những phản ứng khác rất hiếm gặp như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Đạo
Quản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây.