Chính sách cho cán bộ khi tinh gọn bộ máy phải “nhanh, mạnh, nổi trội”

Trao đổi với báo chí về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo phương án được đề ra, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chính sách cho cán bộ khi tinh gọn bộ máy phải

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bên cạnh đó, giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ.

Trước nhiệm vụ được Chính phủ giao với tinh thần khẩn trương, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, đến nay Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các văn bản liên quan cùng đề án kết thúc hoạt động Ban Cán sự đảng, thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Về việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan của Chính phủ, sẽ giúp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ bản khắc phục những vấn đề còn giao thoa hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sẽ giảm từ 35 đến 40% đầu mối sau khi các tổ chức được sắp xếp, hợp nhất. Bản thân bên trong các tổ chức cũng được sắp xếp, tinh gọn lại. Với định hướng đã được Chính phủ đưa ra, cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương. Theo tính toán, có thể giảm 500 cục thuộc bộ, cục thuộc tổng cục.

Đối với các báo cáo, đề án liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ngày 25-12.

Nhấn mạnh khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, quan trọng nhất là có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng các chế độ, chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời.

Hiện, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Dự thảo Nghị định sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn tới đây.

Về một số nội dung tại dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết tinh thần của chính sách là làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng.

Theo đó, các chính sách được xây dựng và ban hành phải “nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng” và đảm bảo tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh các cơ chế, chính sách sẽ tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay và nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp, tinh gọn.

Các cơ chế, chính sách được xây dựng trên nguyên tắc gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng công chức, viên chức nghỉ, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, chính sách cũng cần thể hiện quyết tâm duy trì, giữ chân cán bộ tốt, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, không để chảy máu chất xám.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đánh giá việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là khó khăn, thách thức, phức tạp, nhạy cảm và có cả sự cản trở. Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, đây không chỉ là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn là cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng để tất cả cùng thay đổi, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đảng và người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm chọn thời điểm này để quyết định thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là “thời điểm vàng, có ý nghĩa lịch sử”.

Bà Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ đây là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng với những quyết sách lớn cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới; chuẩn bị đất nước chào đón 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm thành lập nước…

Với khí thế toàn Đảng, toàn dân, toàn diện, đồng bộ, khoa học, thận trọng, bài bản và thần tốc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết kết quả đến nay đang diễn biến rất tích cực và hiệu quả. Từ hệ thống chính trị Trung ương đến 63 tỉnh, thành đang rất khẩn trương đồng hành cùng Trung ương trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *