Làm nhiều việc cùng lúc hoặc đa việc (Poly-working) là mô hình làm việc dự đoán sẽ trở thành xu hướng trong tương lai, nhất là với lao động trẻ.
Được và mất
Nhờ hoạt ngôn, nhạy bén trong xử lý tình huống, Đặng Thanh Thu (ngụ quận 8, TP HCM), hướng dẫn viên du lịch quốc tế, có lịch công tác dày đặc. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 ập đến, công việc của chị tạm ngưng. Thời gian đầu, Thu cảm thấy khá nhẹ nhõm vì cho rằng có thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm làm việc cật lực. Song, chỉ 3 tháng sau, do mất nguồn thu nhập, cuộc sống của chị lâm cảnh khó khăn.
Không lâu sau đó, Thu được người quen giới thiệu dạy tiếng Anh online cho một trung tâm ngoại ngữ. Nhờ đó, chị giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt và duy trì cả hai công việc đến nay.
“Làm 2 việc cùng lúc giúp tôi tăng thu nhập, không lo mất việc làm. Ngoài ra, tôi còn học hỏi được nhiều kỹ năng. Thu nhập hằng tháng của tôi đã cao hơn gấp 2 lần so với thời điểm trước dịch” – chị Thu khoe.
Với hơn 5 năm làm kỹ sư phần mềm – công việc mỗi tuần chỉ mất 8 – 10 giờ để hoàn thành, anh Nguyễn Ngọc Phước (TP Thủ Đức, TP HCM) đã tìm thêm công việc thứ hai. Thành thạo công nghệ thông tin, anh cùng vài người bạn mở trang web bán balô, cặp xách.
Phước cho hay thời gian đầu, các thành viên trong nhóm anh phải chật vật với công việc vì phải đảm đương trách nhiệm ở nhiều nơi. Song hiện nay, mọi thứ đã ổn định và kinh doanh bắt đầu sinh lời.
“Tình hình kinh tế khó khăn, không ai lường trước được ngày mai ra sao. Vì vậy, ngoài việc tăng thu nhập, tôi cho rằng có thêm công việc còn là phương án dự phòng cho bản thân” – anh Phước bày tỏ.
Với mục tiêu tự do tài chính và nghỉ hưu sớm nên anh Nguyễn Đăng Khoa (quận Bình Tân, TP HCM) cũng nhận làm thêm một công việc khác. Dù đã ưu tiên những việc linh hoạt về giờ giấc, địa điểm để bảo đảm tiến độ cho cả hai bên nhưng anh vẫn rất vất vả để xử lý ổn thỏa nhiều công việc cùng lúc.
Theo Khoa, làm nhiều việc khiến anh khó thể tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Làm nhiều việc có cái lợi là được học thêm nhiều thứ, mài giũa kỹ năng, có thêm thu nhập nhưng đổi lại là áp lực và sức khỏe giảm sút.
Hài hòa lợi ích
Bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài Công ty CP Kết nối nhân tài – Talentnet (quận 1, TP HCM), cho rằng những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cùng tư duy thay đổi của thế hệ lao động trẻ về quan điểm sự nghiệp – công việc, Poly-working đã hình thành.
Theo nhiều lao động trẻ, do làm công việc duy nhất thì lương tháng không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên mô hình Poly-working bùng nổ. Điều đó tạo ra môi trường lao động linh hoạt, khuyến khích sự sáng tạo và đa dạng, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới đối với cả nhà tuyển dụng lẫn người lao động (NLĐ).
Phân tích từ góc độ NLĐ, bà Trân nhìn nhận bên cạnh việc tăng thu nhập, làm đa việc còn giúp nâng cao kỹ năng khi được cọ xát ở nhiều ngành nghề khác nhau. Việc làm sao vượt qua thách thức để cân bằng giữa cuộc sống và công việc cũng ngày càng được lao động trẻ đề cao. Về phía doanh nghiệp (DN), điều này mang đến nguồn lao động đa dạng, linh hoạt. Qua đó, không chỉ tăng năng suất làm việc mà còn tối ưu chi phí cho DN, góp phần xây dựng môi trường đa dạng, kích thích sự đổi mới.
“Áp lực mà DN phải đối mặt là các yếu tố thu hút, giữ chân người tài một cách ổn định; có cơ chế quản trị tinh gọn để tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm hiệu suất và an toàn thông tin” – bà Trân phân tích.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, Giám đốc kinh doanh khu vực – Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt (quận 1, TP HCM), sau dịch COVID-19, tình trạng làm nhiều công việc cùng lúc gia tăng ở nhóm lao động trình độ cao. Song, bất kỳ DN nào cũng mong muốn NLĐ của mình làm việc đa nhiệm hơn là đa ngành nghề. Bởi lẽ, làm nhiều việc không chỉ là điều cấm kỵ đối với văn hóa DN mà còn vi phạm nội quy lao động.
Bà Nguyên cho rằng NLĐ làm nhiều việc cùng lúc rất tai hại với DN ở nhiều góc độ, nhất là vấn đề lộ bí mật kinh doanh, giảm hiệu suất làm việc. Để tránh tình trạng nhân viên “một chân đạp nhiều thuyền”, nhiều DN đã đề ra quy định chặt chẽ trong hợp đồng lao động. Không chỉ dừng lại ở việc sa thải, NLĐ còn có thể bị kiện nếu vi phạm hợp đồng. “Vì vậy, NLĐ cần khéo léo nếu có nhu cầu làm nhiều việc cùng lúc, để không vi phạm bất cứ điều khoản nào mà DN đề ra” – bà Nguyên lưu ý.
Nhiều rủi ro
Theo khảo sát mà Công ty Kiểm toán Deloitte (Anh) vừa công bố, 46% lao động trẻ có việc làm thứ hai ngoài công việc toàn thời gian. Nguyên nhân một phần là do họ đã trải qua thị trường việc làm đầy biến động lúc đại dịch.
Trong gần 15.000 người được Deloitte khảo sát từ 44 quốc gia, 35% cho biết họ lo lắng nhất về chi phí sinh hoạt, 51% thừa nhận sống bằng đồng lương từ nhiều công việc. Dù vậy, làm thêm cũng ẩn chứa không ít rủi ro như: quá sức, căng thẳng, không thực sự có chuyên môn về một lĩnh vực dù làm trong nhiều ngành nghề…