Cơn hưng phấn Bitcoin thâm nhập chính trường Mỹ

Sau một năm với bước ngoặt lớn, làn sóng chính sách ủng hộ Bitcoin dự kiến nở rộ tại các cấp chính quyền Mỹ, bất chấp những ý kiến quan ngại.

2024 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với tiền kỹ thuật số. Giá Bitcoin chạm mốc 100.000 USD và đạt kỷ lục 106.488 USD một đơn vị vào sáng 16/12.

Tiền số lớn nhất thế giới đang giao dịch quanh vùng 105.000 USD. Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 16/12, giá trị Bitcoin đã tăng khoảng 150%, vốn hóa của đồng tiền số lớn nhất thế giới này vượt 2000 tỷ USD.

Bitcoin hưởng nhiều thông tin có lợi năm qua. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã phê duyệt các quỹ ETF đầu tiên nắm giữ Bitcoin. Gần cuối năm, cộng đồng tiền số phấn khích trước lời hứa của ông Donald Trump rằng sẽ biến Mỹ trở thành “siêu cường Bitcoin” thế giới. Đợt tăng vọt giá gần nhất đến từ tin đồn Mỹ sẽ có kho dự trữ Bitcoin năm sau.

Các ý kiến ủng hộ tiền số đã rục rịch thâm nhập vào chính trường Mỹ năm nay. Tháng trước, Hạ viện Pennsylvania đề xuất cho phép ngân sách bang và các quỹ hưu trí công đầu tư vào Bitcoin. Dự luật này không được thông qua nhưng gây nhiều chú ý. Nghị sĩ Mike Cabell, người bảo trợ cho dự luật, nói văn phòng ông nhận được quá nhiều email và cuộc gọi về dự luật này. “Nhiều hơn bất kỳ dự luật nào khác”, ông kể lại. Dù thất bại, Cabell – người đam mê Bitcoin – kỳ vọng các đồng nghiệp sẽ tái đệ trình các dự luật tương tự.

Bước sang 2025, các bang dự đoán sẽ tiếp nhận thêm nhiều dự luật liên quan đến tiền số. Nhóm vận động có tên Bitcoin Satoshi Action cho biết các dự luật dựa trên đề xuất của họ sẽ được đưa ra tại ít nhất 10 bang vào năm tới. Theo các nhà phân tích, tiền số đang trở thành lực lượng vận động hành lang mạnh mẽ khi thợ đào Bitcoin xây dựng thêm cơ sở mới và các quỹ đầu tư mạo hiểm đang bơm tiền vào.





Ông Donald Trump phát biểu tại Bitcoin Conference 2024 ở Nashville (Tennessee) ngày 27/7. Ảnh: AP

Ông Donald Trump phát biểu tại Bitcoin Conference 2024 ở Nashville (Tennessee) ngày 27/7. Ảnh: AP

Trong khi, chính phủ liên bang thân thiện với Bitcoin dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng vận hành từ 2025. AP cho hay quốc hội có thể xem xét dự luật từ Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis (Wyoming) để thành lập kho dự trữ Bitcoin liên bang.

Những người ủng hộ loại tài sản vốn nổi tiếng biến động này cho rằng Bitcoin là công cụ phòng ngừa lạm phát có giá trị, tương tự như vàng. Theo họ, việc chính phủ tăng cường tham gia sẽ giúp tạo ổn định, mang lại tính hợp pháp cao hơn và tiếp tục thúc đẩy giá tiền số này đi lên.

Ngược lại, phe chỉ trích cho rằng rủi ro cũng rất đáng kể, cảnh báo tiền số mang tính chất đầu cơ cao, nhiều điều chưa rõ ràng về cách dự đoán lợi nhuận trong tương lai và không loại trừ khả năng thua lỗ.

Nghiên cứu mới của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ về các khoản đầu tư vào tiền điện tử theo chương trình quỹ hưu trí mới công bố cảnh báo rằng tiền số có “biến động cao đặc biệt” và không tìm thấy cách tiếp cận chuẩn nào để dự đoán lợi nhuận trong tương lai của chúng.

Keith Brainard, Giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Quản lý Hưu trí Quốc gia, không mong đợi nhiều chuyên gia đầu tư quỹ hưu trí công, những người đang giám sát gần 6.000 USD tài sản, rót tiền vào Bitcoin.

Các chuyên gia quỹ hưu trí chấp nhận rủi ro mà họ cho là phù hợp nhưng lịch sử đầu tư Bitcoin vẫn còn ngắn. “Có thể thử nghiệm một chút với Bitcoin. Nhưng thật khó để hình dung ra kịch bản mà các quỹ hưu trí sẵn sàng cam kết”, Brainard nói.

Tại Louisiana, Phụ trách Tài chính John Fleming đã giúp đưa địa phương trở thành bang đầu tiên nhận thanh toán dịch vụ công bằng tiền số. Tuy nhiên, ông nói không cố gắng thúc đẩy tiền số mà coi bước đi này là sự công nhận rằng chính phủ phải đổi mới và linh hoạt trong việc giúp người dân giao dịch.

Ông khẳng định không bao giờ đầu tư tiền bản thân hoặc của bang vào tiền số. “Tôi lo rằng đến một lúc nào đó nó sẽ ngừng tăng trưởng và sau đó mọi người sẽ chốt lời, làm giảm giá trị của Bitcoin”, John Fleming nêu.

Tại Pennsylvania, các quan chức tài chính có thẩm quyền tự quyết định xem tiền số có đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư theo luật của bang hay không và không cần luật mới. Tuy nhiên, Bitcoin vẫn bị họ xem là tài sản có tính biến động cao, không phù hợp với khả năng dự đoán.

Các quỹ hưu trí công lập thường đầu tư theo khung thời gian 30 năm. Họ có thể đã nắm giữ các khoản đầu tư nhỏ vào các công ty tham gia khai thác, giao dịch và lưu trữ tiền số nhưng chậm chạp trong việc chấp nhận Bitcoin.

Mark Palmer, Giám đốc điều hành The Benchmark Company ở New York, cho biết điều đó có thể thay đổi khi Ủy ban chứng khoán phê duyệt các quỹ ETF nắm giữ Bitcoin. Nhiều quỹ hưu trí đang trong quá trình tìm hiểu đầu tư vào Bitcoin và kiểm tra kỹ lưỡng. “Đây thường là quy trình kéo dài ở cấp độ tổ chức”, ông nói.

Một số nhà quản lý tài sản lớn như BlackRock, Invesco và Fidelity đã có các quỹ ETF Bitcoin. Vào tháng 5, Hội đồng Đầu tư Wisconsin trở thành bang đầu tiên đầu tư vào tiền số khi mua cổ phần trị giá 160 triệu USD trong hai quỹ ETF, tương đương khoảng 0,1% tổng tài sản của họ. Đến 30/9, khoản đầu tư này được điều chỉnh giảm xuống còn 104 triệu USD trong một quỹ ETF duy nhất.

Sau đó, Hội đồng Đầu tư Michigan mua khoảng 18 triệu USD cổ phần trong quỹ ETF Bitcoin. Steven Fulop, ứng cử viên Thống đốc New Jersey tuyên bố sẽ thúc đẩy quỹ hưu trí của bang đầu tư vào tiền số nếu thắng cử.

Fulop đã chuẩn bị trong nhiều tháng để mua cổ phần trong quỹ ETF Bitcoin, với kế hoạch dành tới 2% quỹ hưu trí trị giá 250 triệu USD của viên chức thành phố cho tài sản này, cho đây là “đi trước một bước”. “Tôi nghĩ cuối cùng Bitcoin sẽ được chấp nhận rộng rãi, hiện diện trong tất cả quỹ hưu trí ở mức độ nào đó”, ông nói.

Phiên An (theo AP)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *