Triển lãm là dịp xúc tiến thương mại để ngành quốc phòng Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp quốc phòng thế giới.
Sau 2 ngày chỉ dành cho đại biểu và chuyên gia, ngày 21-12, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (Viet Nam Defence Expo 2024) tại sân bay Gia Lâm (quận Long Biên, TP Hà Nội) chính thức mở cửa cho người dân vào tham quan.
Xem triển lãm để thêm yêu Tổ quốc
Dù trời rét nhưng từ sáng sớm 21-12, hàng vạn người đã xếp hàng dài trên đường Nguyễn Sơn để vào xem triển lãm. Không chỉ người dân Hà Nội mà rất nhiều người đến từ các tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng đổ về đây để được tận mắt chiêm ngưỡng những khí tài quân sự hiện đại.
Anh Hoàng Văn Thiện (27 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Giang) cho biết vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ tranh thủ đi từ sáng sớm để kịp xếp hàng vào xem triển lãm. “Bình thường hai con tôi thích tham khảo kiến thức quân sự, vũ khí trên mạng xã hội. Do vậy, khi vợ chồng tôi nói đưa đi xem thực tế, các cháu rất háo hức. Ngoài việc xem những vũ khí hiện đại, chúng tôi cũng mong muốn các con tìm hiểu lịch sử quân sự Việt Nam để tự hào hơn đối với Tổ quốc” – anh Thiện chia sẻ.
Vừa trải nghiệm bắn mô phỏng 3D bằng súng trường do Việt Nam sản xuất, chị Nguyễn Thùy Linh (18 tuổi, quê Nam Định) cho biết lần đầu được tham dự triển lãm vũ khí. Chị không nghĩ Việt Nam có thể tự chủ sản xuất nhiều vũ khí hiện đại như vậy.
“Tôi thật sự choáng ngợp và tự hào khi Việt Nam có thể tự nghiên cứu, sản xuất vũ khí, khí tài để bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin với nền quốc phòng tự lực, tự cường, đất nước ta có thể tự tin hội nhập với thế giới” – chị Linh bày tỏ.
Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cho biết tính đến sáng 21-12, có hơn 98.000 người đăng ký tham quan triển lãm. Trong hai ngày trước đó, triển lãm chủ yếu đón khách chuyên ngành liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tham quan, ước tính mỗi ngày khoảng hơn 10.000 người.
“Ngày đầu tiên mở cửa cho nhân dân vào tham quan, chúng tôi đã phối hợp, hiệp đồng với lực lượng công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng điều hành. Năm nay, ban tổ chức mở rất nhiều lối vào, lối ra có hướng dẫn cụ thể cho người dân để tránh quá tải, ùn ứ” – Thiếu tướng Lê Quang Tuyến thông tin.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam có tổng diện tích hơn 100.000 m2 với diện tích trưng bày trong nhà 15.000 m2 và ngoài trời hơn 20.000 m2. Triển lãm có sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ…
Nhiều vũ khí hiện đại
Các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Nhiều sản phẩm của Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại triển lãm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo như: Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Binh chủng Tăng thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel)…
Trong đó, Tập đoàn Viettel đưa đến triển lãm giới thiệu trên 80 sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao thuộc 10 ngành. Số lượng sản phẩm trưng bày tại triển lãm lần này của Viettel tăng hơn 20 sản phẩm so với Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022. Nhiều sản phẩm phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như UAV cự ly 1.000 km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hỏa lực “quét búp sóng” điện tử chủ động (beam-forming)…
Hệ sinh thái sản phẩm của Viettel được xây dựng theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới, bao gồm các chức năng: Trinh sát, thu thập thông tin – truyền nhận thông tin – xử lý thông tin để ra quyết định; vũ khí công nghệ cao trên các môi trường tác chiến trong vũ trụ, trên không, trên biển, trên bộ và không gian mạng.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết mục tiêu chiến lược của Viettel trong việc nghiên cứu sản xuất công nghệ cao là tạo ra các sản phẩm lưỡng dụng, hiện đại, thông minh hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, uy lực hơn.
Tại triển lãm, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cũng giới thiệu nhiều trang bị hiện đại cho lục quân và các quân, binh chủng dần thay thế các vũ khí cũ. Điển hình như 3 loại súng tiểu liên STV 380, tiểu liên STV 215 và tiểu liên STV 022, đang được quân đội sản xuất hàng loạt để thay cho súng tiểu liên AK-47.
Bên cạnh đó, có nhiều vũ khí mới được giới thiệu như: UAV trinh sát, UAV cảm tử tự khóa các mục tiêu, mìn hồng ngoại, đạn gây nhiễu…
Vươn ra thế giới
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển lãm – cho biết sự kiện nhằm góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; nắm bắt xu thế công nghệ tiên tiến trên thế giới để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Triển lãm cũng là dịp để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác, tiếp cận những thị trường tiềm năng để ngành quốc phòng Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp quốc phòng thế giới.
“Đây cũng là dịp chúng ta giới thiệu, quảng bá về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; văn hóa quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm tạo dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, khơi dậy, lan tỏa lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.