Đau lưng nhiều, lan xuống chân và có thể kèm tê yếu, sốt là những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý, cần đi khám sớm để kịp thời điều trị.
Đau lưng là các cơn đau tê dọc hay gần cột sống. Có 4 khu vực chính gồm đau lưng trên, lưng dưới, lưng giữa, đau lưng một bên (phải hoặc trái).
BS.CKI Vũ Ngọc Bảo Quỳnh, khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đa số trường hợp đau lưng có thể cải thiện nếu được chăm sóc tại nhà đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh cần đi khám nếu đau lưng không giảm, đau nhiều vào ban đêm, đau lan xuống chân, tê yếu chân, rối loạn tiêu tiểu, sốt, sụt cân… Lúc này, đau lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm cần điều trị kịp thời.
Thoái hóa cột sống lưng thường xuất hiện ở sụn khớp và đĩa đệm. Khi cột sống bị thoái hóa, người bệnh đau vùng lưng dưới liên tục. Cơn đau tăng khi cúi người, vặn mình hoặc nâng vác vật nặng.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống lệch ra khỏi vị trí bình thường, có thể chèn ép lên các rễ thần kinh, gây tê bì và đau nhức. Cơn đau thường lan từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa). Bệnh có thể xảy ra do chấn thương hoặc thoái hóa đĩa đệm.

Bác sĩ Quỳnh đánh giá tình trạng đau lưng của người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Hẹp ống sống là tình trạng không gian bên trong ống sống bị thu hẹp, chèn ép tủy sống và các rễ thần kinh. Người bệnh thường bị đau tại vùng thắt lưng, đau lan tới chân. Nguyên nhân là do gai xương cột sống phát triển, thoái hóa dây chằng khiến dây chằng dày lên và làm hẹp lòng ống sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp cột sống…
Gai cột sống thường gây ra các cơn đau nhức, khó chịu ở vùng thắt lưng, vai hoặc cổ, vì gai xương chèn ép lên dây thần kinh. Trường hợp nghiêm trọng có thể làm giảm hoặc mất khả năng vận động ở các vùng bị ảnh hưởng.
Đau thần kinh tọa có thể xuất hiện do bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị rối loạn cảm giác, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất khả năng vận động vùng bị ảnh hưởng.
Cong vẹo cột sống làm mất tính bền vững và ổn định của cột sống. Người bệnh thường cảm thấy đau vùng lưng hoặc tê chân, cứng khớp. Bệnh có thể xuất hiện ở một hay nhiều đốt sống. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là thoái hóa đĩa đệm, gãy xẹp các đốt sống.
Căng cơ hoặc dây chằng có thể xảy ra do người bệnh thường xuyên nâng vật nặng hoặc cử động chuyển hướng bất ngờ trong sinh hoạt. Tình trạng căng thẳng lưng liên tục rất dễ gây ra những cơn đau co thắt ở vùng này.
Ngoài ra, đau lưng còn có thể là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe khác như loãng xương, khối u cột sống, thừa cân, ít vận động…

Người bệnh tập phục hồi chức năng cải thiện tình trạng đau lưng dưới sự hướng dẫn của chuyên viên. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cột sống là một trục xương nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên khi đau lưng, gần như tất cả sinh hoạt đều bị ảnh hưởng, từ đi lại, nằm ngồi đến khuân vác đến đời sống tình dục. Do đó, người bệnh cần chú ý các triệu chứng bất thường để kịp thời đi khám.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu để giảm đau, tăng tính linh hoạt cho cơ lưng và cơ bụng, cải thiện tư thế sinh hoạt hàng ngày… Khi điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Quỳnh cho hay hiện phẫu thuật cột sống đã trở thành thường quy ở nhiều cơ sở y tế chuyên môn, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Với các kỹ thuật điều trị tiên tiến và hệ thống máy móc hiện đại như hệ thống kính hiển vi phẫu ZEISS Kinevo 900, dàn máy nội soi 4K Karl Storz, máy khoan cắt siêu âm Mixonix…, độ an toàn của các ca phẫu thuật được nâng cao đáng kể, giảm tối đa tổn thương, nguy cơ mất máu. Người bệnh có thể vận động chỉ sau 1-2 ngày phẫu thuật, sớm phục hồi và trở lại với cuộc sống bình thường.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |