Trẻ mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ tái phát do thời tiết thay đổi kích thích đường thở, với các dấu hiệu như ho, khò khè, khó thở.
Hen suyễn xảy ra khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích niêm mạc và các cơ thuộc hệ hô hấp dẫn đến co thắt và tăng tiết dịch nhầy. Lúc này lưu thông khí khó khăn khiến trẻ khó thở, khò khè.
BS.CKI Đào Đỗ Thị Thiên Hương, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trẻ lên cơn hen thường có biểu hiện ho, khò khè, khó thở, hơi thở thường nhanh, dài, có dấu hiệu nặng ngực. Cơn hen khiến cơ thể không được cung cấp đủ oxy, ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời làm trẻ khó chịu, quấy khóc, mất ngủ. Trẻ bị hen nặng thường có triệu chứng nói khó, cánh mũi phập phồng, co rút ngực khi thở, thở rút lõm, hõm ức, thở rít, tím môi… cần sơ cứu kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm, gây tử vong.
Bác sĩ Hương giải thích nhiệt độ thay đổi đột ngột, không khí khô thuận lợi cho các loại virus gây bệnh hô hấp ở trẻ phát triển, làm khởi phát cơn hen cấp. Hen suyễn thường tái phát vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi nhiệt độ xuống thấp. Các yếu tố như dị ứng thực phẩm, khói bụi, thuốc lá, gắng sức, căng thẳng, bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn, virus, nấm mốc… cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Hiện chưa thể chữa khỏi hen suyễn, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, giảm tần suất xuất hiện cơn hen. Bác sĩ Hương lưu ý nguyên tắc quan trọng trong điều trị trẻ hen suyễn là tránh các yếu tố khởi phát gây cơn hen cấp, tuân thủ điều trị theo chỉ định từ bác sĩ. Phụ huynh hạn chế cho trẻ ra ngoài đến những vùng có không khí lạnh và khô. Khi nhiệt độ giảm xuống, hãy mặc thêm áo ấm, khăn quàng cổ, đeo khẩu trang… cho con.
Đảm bảo môi trường sống bằng cách sử dụng máy sưởi và máy lọc không khí giúp giữ nhiệt độ phù hợp, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc. Kiểm soát chặt chẽ độ ẩm trong phòng ở ngưỡng khoảng 40-70%. Vệ sinh nhà cửa, những nơi trẻ thường nằm hoặc bò như chăn ga gối nệm, thảm, sàn nhà thường xuyên. Người lớn không hút thuốc lá trong khuôn viên nhà.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao đề kháng, phòng tránh bệnh lây lan qua đường hô hấp như cúm, viêm hô hấp, viêm họng, viêm phế quản, phổi… khiến hen suyễn trở nặng hơn. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh đưa con đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |