Ngày 18-12, Tạp chí Năng lượng sạch phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Chuỗi phân phối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu và vị thế của Việt Nam”.
Ghi tên vào bản đồ LNG
ThS Nguyễn Đức Tùng – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương – cho biết Việt Nam đã chính thức ghi tên vào bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là nhà nhập khẩu mới vào năm 2023.
Ông John Rockhold – Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng, đồng Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) – thông tin Tổng thống Mỹ đắc cử Donal Trump sẽ có những thảo luận liên quan tới LNG theo hướng mong muốn được xuất khí LNG sang Việt Nam với chi phí vận chuyển giảm 50% so với trước đây. Nếu 2 nước đàm phán giao dịch thành công, giá thành LNG về Việt Nam có thể giảm xuống 3 USD/MMBtu.
Theo các chuyên gia, với vị trí địa lý thuận lợi cùng cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu nói chung và của khu vực Đông Nam Á nói riêng. Với nhu cầu LNG dự báo đạt 5-20 MTPA vào năm 2030 và tăng lên 20-25 MTPA trong 5 năm tiếp theo, việc thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng LNG tại Việt Nam cũng là nhu cầu phát triển tất yếu.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam chưa có cơ sở khai thác và hóa lỏng nên hạ tầng LNG chủ yếu tập trung ở khâu nhập khẩu, lưu trữ và tái khí hóa. Các cơ sở tiêu thụ hiện nay phần lớn là nhà máy điện khí, với tiềm năng phát triển lớn trong tương lai khi nhu cầu năng lượng sạch ngày càng gia tăng.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 13 dự án nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 22.524 MW. Song hiện cả nước mới chỉ có dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất 1.624 MW đã hoàn thành, chuẩn bị đi vào vận hành thương mại. Một số dự án khác đang triển khai thi công hoặc tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước các dự án ngành năng lượng, nêu nguyên nhân dẫn đến một số dự án có nguy cơ chậm tiến độ là do một số tỉnh còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, bàn giao đất, cho thuê đất.
Xây dựng thị trường khí cạnh tranh
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất các nguồn điện chạy khí sẽ chiếm tỉ trọng 24,8% – lớn nhất trong các nguồn điện. Song nguồn điện này đối mặt thách thức giá thành cao trong khi khả năng chi trả ở phía cầu còn thấp. Để điện khí phát triển bền vững và có hiệu quả, cần được phát triển cân đối với các nguồn điện khác. “Nếu không cân đối với các nguồn khác thì điện LNG sẽ không thể là “diễn viên chính” – tức nguồn chạy nền trong hệ thống điện, mà phải chuyển sang vai trò chạy phủ đỉnh, dẫn đến chi phí phát điện sẽ rất cao, không có chủ đầu tư nào hoàn được vốn” – ông Sơn phân tích.
Đại diện Vụ Dầu khí và Than – Bộ Công Thương thông tin bộ đang xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế và chính sách cho thị trường LNG, đặc biệt về giá khí cho sản xuất điện, qua đó từng bước thiết lập thị trường khí cạnh tranh, minh bạch.
Về phía các chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG trên cơ sở tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án này. Cụ thể, cần rà soát, chỉnh sửa quy định về thủ tục, trình tự đầu tư trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch… Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu, dự trữ và cung ứng LNG.
Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu phát triển kho cảng LNG
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa ký hợp đồng với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cung cấp chuyến tàu LNG đầu tiên cho việc chạy thử các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Trước đó, tháng 3-2024, đơn vị này cũng ký hợp đồng cung cấp gần 70.000 tấn LNG cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc đưa LNG ra thị trường, PV GAS đã mất nhiều năm để lập kế hoạch và hoàn thành xây dựng kho LNG Thị Vải (1 triệu tấn) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh đầu tư cũng đã hoàn thiện. Như vậy, với 2 kho cảng LNG, hiện Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển hệ thống hạ tầng kho cảng cho loại nhiên liệu này.