Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến được thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 9. Để đóng góp thiết thực cho dự thảo luật này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi phản biện, góp ý kiến.
Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm là điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bà Bùi Thị Thỏa, Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết điều 43 của dự thảo luật quy định các điều kiện người lao động đang đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có điều kiện là đã nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.

Khi có tranh chấp, người lao động khó đáp ứng thời gian nộp hồ sơ hưởng các quyền lợi. Ảnh: Mai Chi
Theo bà Thỏa, trong một số trường hợp, người lao động sẽ không đáp ứng được điều kiện này là người sử dụng lao động có khúc mắc với người lao động, cố tình không chốt sổ, trong khi người lao động không hiểu biết nhiều về quy định pháp luật nên họ cứ chờ. Đến khi hoàn tất thì đã quá thời hạn 3 tháng.
Trường hợp khác là chủ sử dụng lao động bỏ trốn, thủ tục xác định chủ sử dụng lao động bỏ trốn mất rất nhiều thời gian.
“Vì vậy, không nên quy định cụ thể 3 tháng cho tất cả các trường hợp, mà phải tính đến các trường hợp khác mang tính đặc thù hoặc do lỗi của người sử dụng lao động”- bà Thỏa kiến nghị.
Còn đại diện LĐLĐ TP HCM đề xuất nới thời hạn nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 3 tháng lên 6 tháng để thuận tiện hơn cho người lao động.
Cũng liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết tại khoản 1, điều 43 của dự thảo luật quy định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật (trừ một số trường hợp). Theo ông Ngạn, quy định chấm dứt làm việc chưa được thể hiện rõ.
Thực tiễn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát sinh trường hợp ra tòa do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Người lao động sau đó thắng kiện, được chốt sổ BHXH nhưng quá trình thi hành án kéo dài gần 3 tháng mới xong.
Khi người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì lại gặp vướng mắc là phải nộp văn bản chấm dứt hợp đồng lao động của công ty đối với người lao động chứ không căn cứ bản án của tòa án. Về mặt pháp lý, bản án của tòa án có hiệu lực hơn quyết định của công ty nhưng căn cứ quy định của Luật Việc làm thì không dễ thực hiện.
Do đó ông Ngạn kiến nghị sửa lại khoản 1 điều 43 theo hướng: Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, chấm dứt làm việc theo bản án có hiệu lực của tòa án hoặc theo quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có hiệu lực theo quy định của pháp luật” trừ một số trường hợp.