Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế.
Tại tờ trình Chính phủ liên quan việc xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới, Bộ Tài chính cho rằng các quy định về giảm trừ gia cảnh cần được rà soát, sửa đổi phù hợp với điều kiện mới.
Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh được quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Bộ Tài chính trong tờ trình lần này cũng kiến nghị nghiên cứu các khoản giảm trừ đặc thù khác. Đây là các khoản không tính thuế mà người nộp được hưởng khi đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Ví dụ, một số nước áp dụng cho chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế hoặc lãi tiền vay mua nhà trả góp.
Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp… số còn lại mới là thu nhập căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Nhưng mức giảm trừ này đang được coi là bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân, khi chi tiêu và cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả và mức sống dân cư. Song, mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập.
“Điều này vô hình chung sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại chính sách thuế với người có thu nhập cao như giai đoạn trước đây”, Bộ Tài chính lưu ý.
Trước đó, phản hồi đề xuất về mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định vẫn chưa thể điểu chỉnh khi CPI biến động dưới 20% so với lần thay đổi gần nhất.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của Việt Nam năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu và nhóm hộ thu nhập cao nhất (50% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 10,86 triệu đồng mỗi tháng một người.
Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay, theo lập luận của Bộ Tài chính là 11 triệu đồng, đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần, đồng thời cũng cao hơn thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ với người phụ thuộc, theo cơ quan này, cũng gần với thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.
Ngoài giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Việc này nhằm phù hợp với sự thay đổi về thu nhập và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Cùng đó, họ cũng rà soát, điều chỉnh mức thuế suất với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng các mức thuế suất lũy tiến từng phần phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, xu hướng chung gần đây được các nước áp dụng là đơn giản hoá biểu thuế thông qua giảm số bậc thang.
Nhà chức trách cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc hiện hành xuống mức phù hợp. Cùng với đó, cơ quan quản lý có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc. Việc này nhằm đảm bảo điều tiết vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao, tạo thuận lợi trong kê khai, nộp thuế.
Phương Dung