Tôi 44 tuổi, vừa phát hiện mắc ung thư thực quản. Người bệnh thường được điều trị thế nào, có được lựa chọn phương pháp không? (Huỳnh Long, Gia Lai)
Trả lời:
Tùy vào giai đoạn và tình trạng sức khỏe của người bệnh ung thư thực quản, bác sĩ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Phẫu thuật là chỉ định điều trị hàng đầu cho người bệnh ung thư thực quản, nhất là bệnh ở giai đoạn sớm. Tùy vào giai đoạn bệnh, bác sĩ chỉ định phẫu thuật để điều trị triệt để hoặc chỉ giảm nhẹ triệu chứng.
Phẫu thuật triệt để là cắt bỏ một phần thực quản có khối u và nạo vét hạch xung quanh. Phần còn lại của thực quản được nối với dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dùng một phần ruột để thay thế phần thực quản, kết nối với dạ dày.
Phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng chỉ định khi bệnh không còn chỉ định phẫu thuật triệt để hoặc thể trạng người bệnh không cho phép phẫu thuật triệt để. Bác sĩ đặt một khung giá đỡ (stent) vào lòng thực quản, giúp cho thức ăn đi qua và xuống dạ dày.
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các tia bức xạ nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, ức chế khả năng tăng sinh của tế bào ung thư. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị ở người bệnh ung thư thực quản không thể phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị cũng được sử dụng để làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh ung thư thực quản ở giai đoạn trễ.
Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt, ngăn chặn tế bào ung thư phát triển, hạn chế sự tăng sinh của tế bào ung thư tại khối u cũng như trong toàn cơ thể. Thuốc hóa trị thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật ở người bị ung thư thực quản. Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị. Ở người bệnh ung thư giai đoạn muộn, hóa trị có thể được sử dụng đơn thuần để giúp giảm các triệu chứng gây ra bởi ung thư. Thuốc hóa trị có thể được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch, đường uống hoặc kết hợp cả hai đường trên.
Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng thuốc có cơ chế xác định và tiêu diệt trúng vào tế bào ung thư mà không hoặc ít gây hại đến các tế bào lành tính. Sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích kết hợp với hóa trị góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ.
Liệu pháp miễn dịch là bước tiến trong điều trị ung thư. Phương pháp này kích thích hệ miễn dịch tăng hoạt động tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị, thường dùng cho người bệnh giai đoạn tiến triển, tái phát hoặc di căn xa.
Phần lớn người bệnh ung thư thực quản thường được chẩn đoán khi đã có các triệu chứng nặng, tương ứng giai đoạn 3, 4. Khi ung thư thực quản tiến triển đến giai đoạn trễ, việc điều trị lúc này chỉ giúp người bệnh kéo dài thời gian sống và giảm nhẹ các triệu chứng, chứ không thể chữa khỏi.
Mỗi phương pháp điều trị ung thư thực quản đều có thể gây tác dụng phụ và biến chứng khác nhau. Trước khi điều trị, bạn cần được bác sĩ tư vấn kỹ về tác dụng phụ, biến chứng có thể gặp, cách theo dõi và xử trí.
Với phương pháp phẫu thuật, người bệnh có thể bị nuốt khó (hẹp miệng nối), hội chứng Dumping (do thức ăn di chuyển từ dạ dày vào ruột non quá nhanh), đầy bụng, khó tiêu…
Với phương pháp xạ trị, người bệnh có thể gặp các biến chứng như mệt mỏi, nuốt khó, nôn ói, sụt cân, viêm da, viêm phổi do xạ trị.
Với các liệu pháp điều trị toàn thân, tác dụng phụ tùy vào phác đồ điều trị, phổ biến bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, tê tay chân, rụng tóc…
Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị, người bệnh cần báo cho bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc và xử lý phù hợp.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |