Doanh nghiệp buôn bán hàng hóa, dịch vụ mở mới tăng

TP HCMGần một nửa số công ty thành lập mới 7 tháng đầu năm thuộc lĩnh vực thương nghiệp (buôn bán, hàng hóa dịch vụ), tăng 20% so với cùng kỳ 2023.

Gần 30.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới trong 7 tháng đầu năm tại địa phương, tăng 8,4% về giấy phép nhưng giảm 6,2% về vốn so với cùng kỳ 2023, theo dữ liệu của Cục Thống kê TP HCM.

Trong khi khởi sự kinh doanh các lĩnh vực khác còn dè dặt thì mức độ chủ doanh nghiệp tự tin tìm kiếm cơ hội buôn bán hàng hóa, dịch vụ tại đầu tàu kinh tế tiếp tục tăng lên. Có đến gần 13.800 công ty ra đời 7 tháng qua là lĩnh vực thương nghiệp (bán buôn, bán lẻ, đại lý, môi giới hàng hóa dịch vụ), với vốn đăng ký trên 105.800 tỷ đồng. Số này tăng 19,6% về lượng và 21,2% vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau giai đoạn biến động vì Covid-19, số lượng và quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp lĩnh vực thương nghiệp tăng đều đặn 3 năm trở lại đây.

Tính chung cùng kỳ 5 năm qua, doanh nghiệp thành lập mới và quy mô vốn đăng ký lĩnh vực này gấp lần lượt 1,7 lần và 2,1 lần.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực buôn bán hàng hóa, dịch vụ tại TP HCM nhờ tiêu dùng dần cải thiện và dự báo còn tăng trưởng tốt trong dài hạn.

Theo Cục Thống kê TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước gần 316.000 tỷ, tăng 10,5%. Các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thiết bị gia đình đến đá quý, kim loại quý đều tăng trưởng hai con số thời gian qua.

Báo cáo thị trường của hãng tư vấn dịch vụ bất động sản Savills cũng ghi nhận hoạt động thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại gia tăng, với 43.736 m2 được hấp thụ trong nửa đầu năm. Doanh nghiệp chủ yếu tìm chỗ để bán quần áo, thiết bị gia dụng, nội thất, bên cạnh kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí.

Oxford Economics dự báo chi tiêu tiêu dùng tại TP HCM sẽ tăng 8,4% vào 2025. Phía Savills cho rằng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và tài sản tăng sẽ góp phần mở rộng thị phần bán lẻ hiện đại.

“Nền kinh tế nội địa phục hồi mạnh mẽ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ, thu hút các thương hiệu mới gia nhập thị trường và tiếp tục mở rộng”, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP HCM nhận định.

Trong 7 tháng đầu năm, thương mại phát triển cũng góp phần tạo lực đỡ cho dịch vụ vận tải TP HCM, vốn giảm 7,2% do vận tải hành khách đi xuống. Trong khi, vận tải hàng hóa tăng 13,2% và hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ, bưu chính, chuyển phát tăng đến 49,8%.

Viễn Thông


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *