Cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm tiềm năng và được dẫn dắt bởi các ‘ông lớn’ trong ngành, theo chuyên gia từ DNSE.
Chào chuyên gia, tôi là một nhà đầu tư nhỏ lẻ, gia nhập thị trường được khoảng hai năm. Danh mục đầu tư luôn có một số mã kỳ vọng dài hạn và một số mã khác để lướt sóng trong ngắn hạn. Tôi đang quan tâm đến cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng.
Mới đây, Quốc hội thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại. Xin hỏi chuyên gia, điều này có tác động gì tới ngành ngân hàng, nhóm cổ phiếu của ngành cũng như các nhà đầu tư?
Thu Hằng
(28 tuổi, Hà Nội)
Chuyên gia tư vấn:
Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại. Đây là điều kiện cần thiết để ngân hàng này có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành.
Tuy nhiên với trường hợp tăng vốn bằng chia cổ tức từ lợi nhuận để lại, đây là nỗ lực tăng cường bộ đệm cho ngân hàng trong bối cảnh xu hướng nợ xấu gia tăng (tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành cuối tháng 9/2024 ở mức 4,55% – theo SBV công bố) – đây là mức tương đương cuối năm 2023 và 2022.
Ngân hàng là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, là một trong những trụ cột có sức ảnh hưởng trên thị trường. Với việc các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV dự kiến chia cổ tức cao và tăng vốn điều lệ, ngành ngân hàng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong giai đoạn cuối năm 2024.
Đầu năm 2025, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc nền kinh tế phục hồi và các chính sách hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Việc tăng vốn và chia cổ tức sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng như hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Ngoài ra, định giá hiện tại của ngành ngân hàng mới chỉ ở mức 1,5 lần – thấp hơn so với mức trung bình 5 năm gần đây của toàn ngành là 1,7 lần.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, ngành ngân hàng cũng cần chú ý đến rủi ro nợ xấu, đặc biệt khi các khoản vay tín dụng sẽ gia tăng. Các ngân hàng có khả năng quản lý rủi ro tốt sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư.
Tôi đánh giá cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm ngành tiềm năng. Các ngân hàng có tỷ suất sinh lợi cao và nền tảng tài chính vững mạnh sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, đồng thời dẫn dắt thị trường cổ phiếu ngành ngân hàng.
TS. Hồ Sỹ Hòa
Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE