Tôi sợ ăn mặn nên bỏ muối, chuyển sang dùng bột nêm và dùng số lượng nhiều để nêm nếm món ăn cho đậm vị, điều này có tốt? (Thanh, 35 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Nhiều gia đình đang sử dụng hạt nêm vô tội vạ, gây ảnh hưởng sức khỏe, tăng nguy cơ bệnh tật về lâu dài.
Thực tế, hạt nêm đang được quảng cáo là gia vị tăng độ ngon ngọt cho món ăn, lại có thêm chất đạm, chất tạo vị, khiến món ăn đậm đà, nước ngọt hơn nên nhiều gia đình chuyển hẳn sang dùng, thậm chí nêm một lượng lớn vì nghĩ rằng món ăn càng ngọt hơn.
Tuy nhiên, hàm lượng chính trong hạt nêm vẫn là muối, sau đó mới đến các chất điều vị hay đạm hoặc bột rau củ (tùy từng nhà sản xuất), ăn nhiều nguy cơ dư thừa muối.
Ăn nhiều muối trong thời gian dài gây tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, thận, loãng xương hay các bệnh lý đường tiêu hóa. Nồng độ muối cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn H.P phát triển và hoạt động mạnh hơn trong môi trường axit dạ dày. Đây là tác nhân có thể gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày.
Chưa kể, ăn nhiều hạt nêm mà bỏ muối hoặc bột canh có i-ốt sẽ khiến cơ thể bị thiếu chất này, gây nhiều hệ lụy sức khỏe.
Để dùng hạt nêm đúng cách, người tiêu dùng nên đọc nhãn thành phần trước khi sử dụng để xác định lượng muối trong sản phẩm. Các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi chỉ nên dùng khoảng 5 g/ngày, tương đương khoảng một thìa cà phê (gồm tất cả các gia vị và thực phẩm chứa muối). Khi dùng hạt nêm cần tiết chế, chọn mua ở những cơ sở uy tín, nguồn gốc rõ ràng, tránh mua hạt nêm bán theo cần, không nhãn mác.

Nhiều gia đình nêm nếm hạt nêm vô tội vạ gây ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa: Linh Đan
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội