Sáng 10-12, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với 62 LĐLĐ tỉnh, thành phố và trụ sở Công đoàn Cao su Việt Nam.
Theo ban tổ chức, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 20 (năm 2008), số lượng công nhân, lao động (CNLĐ) làm công, hưởng lương trong các doanh nghiệp, hợp tác xã là 8,26 triệu người. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết (năm 2013), con số này tăng lên gần 11 triệu (tăng hơn 2,7 triệu người), đến năm 2017 là 14,88 triệu người (tăng 3,4 triệu người). Năm 2023, số lao động có việc làm đã tăng trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 với số CNLĐ làm công, hưởng lương trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có khoảng 14,5 triệu người.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – cho biết Nghị quyết 20 là nghị quyết rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn của Đảng đối với nhiệm vụ chiến lược xây dựng giai cấp công nhân và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống tổ chức chính trị xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn, đã đạt được nhiều kết quả.
Giai cấp công nhân đã có sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo giai cấp công nhân bằng các giải pháp, biện pháp cụ thể, từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, đến việc nâng cao đời sống, trình độ, nhận thức của giai cấp công nhân, lãnh đạo việc tăng cường liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đã được thể hiện rõ nét.
“Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng có sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta tự hào những chuyến hàng của Việt Nam đi muôn nơi, trong đó có mồ hôi, công sức của những người công nhân lao động”- ông Ngọ Duy Hiểu nói.
15 năm qua cũng là quãng thời gian khẳng định sự tham gia tích cực của Công đoàn trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân. Đội ngũ công nhân lao động tiếp tục giữ vai trò quan trọng, là lực lượng sản xuất chủ yếu, trực tiếp tạo ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội. Tuy chỉ chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng lực lượng công nhân đã cùng với người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp khoảng trên 50,34% giá trị tăng thêm cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh; kiến nghị một số giải pháp để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh trong thời gian tới.