Thời điểm cuối năm, với khối lượng công việc lớn, nhiều người lao động (NLĐ) cảm thấy căng thẳng, stress, thậm chí nhập viện. Như anh Nguyễn Minh Nhật (25 tuổi), làm việc ở một ngân hàng tại quận 3, TP HCM, lúc nào cũng ở trạng thái không đủ thời gian, bởi đây là giai đoạn cao điểm vì nhu cầu của khách hàng tăng cao.
3 nguyên nhân chính
Anh Nhật cho biết doanh số được giao khá cao nên phải cố gắng hết sức để đạt KPI. Vào thời điểm cuối năm khối lượng công việc rất nhiều. Bên cạnh đó, anh còn phải xử lý những thứ phát sinh ngoài ý muốn.
“Thông thường, giờ làm việc của tôi từ 8 – 17 giờ nhưng thời điểm cuối năm phải đi sớm về muộn để bàn giao hồ sơ, xử lý bớt công việc tồn đọng nên có nhiều hôm 20 giờ mới về tới nhà. Hôm nào được về sớm thì lại có vấn đề phát sinh phải quay lại văn phòng” – anh Nhật bày tỏ. Không chỉ đi sớm về muộn ngày thường, có những ngày cuối tuần anh cũng phải đi gặp khách hàng, song về nhà ngồi làm hồ sơ đến tận khuya.
Còn chị Cao Thị Mỹ Duyên, trưởng phòng kinh doanh của một công ty thực phẩm ở TP Thủ Đức, TP HCM, bị căng thẳng, mệt mỏi do áp lực công việc “chạy KPI” cuối năm đến nhập viện. Với vai trò trưởng phòng kinh doanh một công ty, cuối năm, chị phải gồng gánh nhiều trách nhiệm với áp lực doanh số gia tăng, nhiều việc tồn đọng cần giải quyết trước Tết.
“Những ngày này tôi thường đi ngủ lúc 2 giờ, hôm sau vẫn phải đi làm đúng giờ, người như trên mây” – chị Duyên nói. Gần đây, chị sốt cao, mệt mỏi do sốt xuất huyết, điều trị ngoại trú và vẫn tiếp tục công việc.
Đánh giá về những áp lực, căng thẳng trong công việc mỗi dịp cuối năm của NLĐ, ThS tâm lý Trần Văn Toản, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt (quận 3, TP HCM), cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ 3 nhóm chính, gồm: do khối lượng công việc gia tăng; do áp lực tài chính khi các khoản chi tiêu tăng cao và căng thẳng do kỳ vọng của gia đình về năng lực kinh tế, thành tựu.
Mỗi giờ làm việc sẽ trở nên căng thẳng, sự mệt mỏi không chỉ đơn thuần là thể chất mà còn kiệt quệ tinh thần. Đây chính là lý do tại sao cuối năm trở thành giai đoạn áp lực nhất đối với những người trẻ đang khát khao xây dựng sự nghiệp.
Giữ cân bằng
Để không “đuối sức” vào cuối năm, bà Nguyễn Như Phượng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phượng Hoàng Linh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay đây không chỉ là vấn đề quản lý thời gian cá nhân mà còn liên quan đến cách tổ chức và văn hóa DN.
Theo bà Phượng, DN cần tối ưu hóa quy trình thay vì để mọi thứ dồn lại vào tháng cuối năm; nên lập kế thoạch sớm, họp ngắn và đúng trọng tâm, phân phối công việc hợp lý; các phòng ban phải có sự phối hợp để tránh “thắt nút cổ chai,” nơi một số người bị quá tải, trong khi những người khác thì nhẹ việc…
Ngoài ra, DN nên tạo không gian cho sáng tạo và nghỉ ngơi cho NLĐ thay vì chỉ tập trung vào việc chạy theo deadline (hạn chót), tổ chức những buổi tiệc trà để chia sẻ, truyền cảm hứng cho nhân viên… “Cuối năm còn là cơ hội để DN và NLĐ cùng nhìn lại những gì đã đạt được và chuẩn bị cho tương lai. Nếu chúng ta coi đây là thời điểm để học hỏi, trân trọng thành tựu và định hướng, tôi tin rằng ai cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và tích cực hơn” – bà Phượng gợi ý.
Còn Ths Nguyễn Dinh Hoàng Yến, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP HCM, cho rằng để tránh tình trạng “đuối sức” vào cuối năm, bản thân NLĐ nên có kế hoạch cụ thể. Chia công việc thành các nhóm ưu tiên như quan trọng và gấp, quan trọng nhưng không gấp, không quan trọng nhưng gấp và không quan trọng không gấp. NLĐ nên biết sử dụng công cụ quản lý thời gian trực tuyến để theo dõi và quản lý các công việc của mình. Tạo danh sách việc cần làm theo thứ tự ưu tiên để dễ dàng theo dõi.
Bà Yến khuyên NLĐ đừng ôm đồm quá nhiều việc. Bởi nó sẽ là cái bẫy mà phần lớn nhà quản lý hay nhân viên dễ dàng mắc phải. “Nếu nhân viên thấy quá tải, hãy chủ động xin ý kiến hỗ trợ từ cấp trên hoặc đồng nghiệp và không quan ngại về việc bị đánh giá là kém hiệu quả. Đừng để có vấn đề nghiêm trọng rồi mới báo cáo thì hậu quả sẽ trầm trọng, khó giải quyết hơn so với khó khăn ban đầu” – bà Yến nói.
ThS NGUYỄN THỤY DIỄM CHI, Giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Quan tâm đến sức khỏe bản thân
Nhiều người cho biết sau giờ làm việc căng thẳng, hay xem phim tình cảm, phim kinh dị… đến giữa khuya hay rạng sáng. Vì vậy, cơ thể luôn mệt mỏi khiến NLĐ rơi vào những rối loạn thể chất lẫn tinh thần.
Do đó, điều cần nhất của mỗi người là tự sắp xếp để tái tạo, bù đắp năng lượng bị thiếu hụt, giúp cơ thể về trạng thái cân bằng. Buông ti vi, máy tính và điện thoại thông minh để dành cho mình một giấc ngủ sâu mỗi đêm khoảng 6 – 8 giờ, buổi trưa 30 phút. Ngủ đủ giấc và suy nghĩ tích cực sẽ giúp có một cơ thể khỏe mạnh.