Hàng chục polyp bám như thạch nhũ trong túi mật

TP HCMBà Hồng, 60 tuổi, chán ăn, đau bụng hạ sườn một năm nay, bác sĩ phát hiện túi mật có hàng chục polyp bám như thạch nhũ.

Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy nhiều polyp trên thành túi mật, trong đó kích thước lớn nhất khoảng 1 cm. Ngày 14/8, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan – Mật – Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết bà Hồng bị đa polyp túi mật.

Polyp túi mật có nhiều loại như polyp cholesterol, u cơ tuyến túi mật, polyp viêm, polyp phì đại thể cơ tuyến, khoảng 95% lành tính. Trong đó, polyp cholesterol chiếm đa số khoảng 40-70%, hình thành do lắng đọng của cholesterol bám vào niêm mạc túi mật.

“Polyp nhiều, lan rộng và kèm sỏi như bệnh nhân này có nguy cơ cao tiến triển thành ác tính”, bác sĩ Khánh nói. Người bệnh cần được phẫu thuật sớm, phòng biến chứng nguy hiểm như ứ trệ dịch mật, rối loạn tiêu hóa, viêm túi mật, viêm đường mật, ung thư túi mật. Loại ung thư này có tiên lượng xấu vì tỷ lệ sống sót sau 5 năm thấp.

Bà Hồng được phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Sau gây mê nội khí quản, bác sĩ đưa dụng cụ nội soi vào bụng với ba lỗ nhỏ, cắt túi mật. Túi mật lấy ra có vách mỏng, lòng túi chứa nhiều polyp với nhiều kích thước khác nhau. Hậu phẫu, người bệnh không đau, đi lại, ăn uống tốt, xuất viện sau một ngày. Kết quả giải phẫu ghi nhận polyp cholesterol lành tính.

Bác sĩ Khánh (bên trái) trong một ca phẫu thuật nội soi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Khánh (bên trái) trong một ca phẫu thuật nội soi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nguyên nhân gây polyp túi mật đến nay vẫn chưa xác định chính xác. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như người trên 50 tuổi, người bệnh tiểu đường, kích thước polyp tăng bất thường, mắc bệnh sỏi mật. Phần lớn polyp túi mật thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ, siêu âm, chụp MRI, CT bụng. Trong đó, siêu âm là kỹ thuật không xâm lấn, thực hiện nhanh chóng, không đau, an toàn với độ nhạy và độ đặc hiệu tốt đối với polyp túi mật.

Thông thường, polyp túi mật có kích thước dưới 1 cm sẽ không thay đổi sau nhiều năm, người bệnh chỉ cần tái khám theo dõi định kỳ. Phẫu thuật cắt bỏ polyp được chỉ định trong trường hợp kích thước từ 1 cm trở lên hoặc polyp không cuống từ 0,6 cm trở lên hoặc polyp từ 0,6 cm trở lên ở người từ 50 tuổi.

Bác sĩ Khánh khuyến nghị sống lành mạnh để ngăn ngừa tối đa hình thành polyp túi mật. Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường. Phát hiện bệnh sớm polyp túi mật giúp theo dõi và có hướng điều trị phù hợp, phòng biến chứng nguy hiểm.

Quyên Phan

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *