Những năm gần đây, Bình Thuận đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó chú trọng đào tạo lao động nông thôn, góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.
Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Bình Thuận cho biết sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Bình Thuận đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Chỉ thị.
Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận đã giúp hàng chục ngàn lao động nông thôn, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, lao động thuộc diện chính sách và lao động nghèo ở vùng đô thị được học nghề, có được việc làm phù hợp. Từ đó, người lao động sớm ổn định cuộc sống, thu nhập tăng lên, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chuẩn nông thôn mới trên nhiều địa bàn xã, huyện của tỉnh.
Từ năm 2011 đến nay, các nghề có tỉ lệ người lao động tham gia học nhiều nhất gồm: trồng và chăm sóc cây thanh long; trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap; chăm sóc, cạo mủ cao su; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau an toàn; bảo vệ thực vật…
Kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 9.182 lao động, đạt 91,82% so với kế hoạch năm và bằng 154,03% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, sau khi được học nghề, thì số lao động nông thôn có việc làm đạt trên 80%.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Thuận Nguyễn Ngọc Thành cho biết công tác tuyên truyền được xem là bước “mở đường” để người lao động tiếp cận nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Song song với đó là sự đổi mới của những hoạt động đào tạo nghề, dần nâng cao cả về chất và lượng, học đi đôi với hành. Nhờ đó mà thu hút được số lượng người tham gia học nghề.
Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy nghề. Điều đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ; các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề theo yêu cầu, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vì thế, khâu giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo cũng được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức, cách làm đa dạng, giúp tỉ lệ lao động có việc làm cao.
“Nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Bình Thuận nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được ưu tiên triển khai. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ theo hướng xanh, sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu thì trình độ, kỹ năng của lao động nông thôn cũng phải được cập nhật để phù hợp với xu hướng này” – ông Thành cho biết thêm.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận, với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong giai đoạn này, mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ướt đạt 30.000 người, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70% -75% và đến năm 2030 đạt từ 75% – 80%. Trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30% – 32% và đến năm 2030 đạt 32% – 37%. Đảm bảo lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm từ 80% trở lên.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận kỳ vọng vào mục tiêu đã đề ra để góp phần xây dựng nông thôn mới cho tỉnh nhà. Để làm được điều đó, Sở sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức khảo sát, đào tạo nghề đúng nhu cầu và đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó là tăng cường chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm, từ đa dạng các hình thức đào tạo nghề đến nhiều hình thức việc làm từ làm việc trong tỉnh đến ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.