Học trò lớp 6 giành suất thi học sinh giỏi lớp 9 của Hà Nội

Hải Nam là học sinh lớp 6 duy nhất được huyện Thanh Oai chọn thi tiếng Anh cấp thành phố, vốn dành cho lớp 9.

Phạm Hải Nam, lớp 6G0, trường Tiểu học – THCS Newton 5, đạt 16,1/20 điểm, xếp thứ 6/10 ở vòng chọn đội tuyển cấp huyện. Kết quả được công bố cách đây vài ngày.

“Em sốc, không nghĩ vào được đội tuyển với các anh chị lớp 9. Em như vỡ òa khi biết đạt điểm cao thứ hai ở trường”, Nam nói.

Nam sinh cho biết đi thi vì muốn giành học bổng của trường. Đề thi có khoảng 100 câu, với 5-6 dạng bài nghe, đọc hiểu, viết… trong thời gian 150 phút.

“Hơi khó với lớp 6 nhưng em vẫn làm được”, Nam đánh giá.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS vốn dành cho lớp 9. Hà Nội thường chỉ có vài học sinh lớp 6-7 lọt vào vòng này, có năm không có. Năm nay, Nam là một trong hai học sinh lớp 6 của huyện Thanh Oai góp mặt.





Phạm Hải Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Phạm Hải Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Nam nhìn nhận, phần Viết là khó nhất. Đề bài đưa ra nhận định việc trải nghiệm nhiều thứ mới sẽ mang tới sự sợ hãi nhưng cũng có thể có kết quả ngọt bùi, yêu cầu thí sinh viết đoạn văn 200 từ trở lên và thể hiện quan điểm. Nam cho hay đồng tình với ý kiến trên và lấy ví dụ rồi phân tích.

Em giải thích lúc mới làm quen với ngôn ngữ khác, người học thấy sợ vì khó và cảm thấy mất thời gian vô ích, nhưng khi phải dùng thứ tiếng này mới thấy cần thiết. Nam từng học tiếng Nga và tiếng Trung, lúc đầu cũng nản vì viết khó. Nhờ sự kiên trì nên dần dần em làm quen được với ngôn ngữ mới.

Dù có ý tưởng, nam sinh loay hoay trong chọn từ và cấu trúc ngữ pháp để thể hiện. “Em không biết viết thêm gì nữa cho đủ số từ quy định”, Nam kể.

Em cũng nhìn nhận bài Nghe không dễ do tốc độ của người nói nhanh và có “bẫy”. Người nói đưa ra nhiều thông tin gây nhiễu trước và nói to hơn phần chứa đáp án đúng. Hơn nữa, thay vì dùng từ cụ thể, họ sẽ “paraphrase” (diễn đạt lại) ý. Nếu không tập trung, thí sinh khó bắt kịp và lỡ thông tin. Nhiều chỗ, Nam phải dựa vào bối cảnh và logic để đoán đáp án.

Ở phần Đọc hiểu, nam sinh đánh giá bài dài, chủ đề đa dạng. Em nhớ có dạng câu hỏi True/False/Not Given (Đúng/Sai/Không có), tương tự trong bài thi IELTS. Từng được luyện qua nên Nam làm tốt. Với dạng này, em thường tìm câu gần giống với đáp án trong bài, sau đó đọc các câu xung quanh để xác định thông tin đó rơi vào trường hợp nào.

Nam cho hay bắt đầu làm quen với tiếng Anh từ sớm. Mẹ em kể lúc mang bầu thường bật các bài hát, phim hoạt hình bằng tiếng Anh. Điều này được duy trì đến sau này.

“Tiếng Anh cứ hiện lên trong đầu em. Em cảm thấy thoải mái và dễ dàng hơn khi diễn đạt bằng ngôn ngữ này”, Nam chia sẻ.

Em cho biết có thói quen chui vào tủ quần áo cho yên tĩnh, giở sách ra đọc và ghi âm lại giọng nói của mình rồi nghe lại. Nếu thấy chưa ổn, Nam sẽ lên YouTube để nghe người bản ngữ phát âm và bắt chước. Em cũng hay độc thoại sau khi đọc xong một cuốn sách hay xem một bộ phim.

Ngoài ra, Nam còn vào Twitter, kết bạn với người nước ngoài để trò chuyện. Mỗi khi ra ngoài, em không ngại bắt chuyện với du khách.

“Em xem và đọc nhiều chủ đề, thể loại, từ khoa học đến hư cấu. Để chắc ngữ pháp, em làm bài tập và đề thi trong các sách ôn tập”, nam sinh nói. Nam cảm thấy không thấy quá sức khi thi cùng các anh chị lớp 9 bởi các kiến thức này em đều đã tự đọc trong sách hoặc có trên mạng.





Cô Lê Thị Thanh Nhàn (bìa phải), Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Newton 5, cùng các cô giáo chúc mừng kết quả của Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Các cô giáo trường Tiểu học – THCS Newton 5 chúc mừng kết quả của Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng, cho hay về lứa tuổi thì Nam hơi non, nhưng vì được trang bị nền tảng kiến thức từ sớm nên em có thể thi cùng các anh, chị lớn hơn. Với 20 tiết tiếng Anh mỗi tuần ở trường, được các thầy cô bồi dưỡng cùng sự đầu tư, đồng hành của gia đình, giúp em có điều kiện phát huy thế mạnh của mình.

Dạy em môn tiếng Anh hồi lớp 5, cô Hoàng Thanh Tuyền nhận xét học trò ham học, đọc hiểu tốt và vốn kiến thức rộng. Ở lớp, nam sinh thường xuyên nói chuyện với cô và các bạn bằng tiếng Anh.

“Tôi không quá bất ngờ khi Nam đạt kết quả này”, cô nói.

Năm ngoái, Nam giành hàng loạt giải thưởng như giải nhất Olympic tiếng Anh cấp huyện và giải nhì thành phố; giải nhất và vàng Olympic tiếng Anh trên mạng (IOE) cấp quận, quốc gia… Em cũng được giải bạc các kỳ thi Olympic tiếng Anh quốc tế (ASMO), Toán học quốc tế (TIMO), Toán Singapore và châu Á (SASMO)…

Trong kỳ thi cấp thành phố vào ngày 18/1 tới, Nam đặt mục tiêu giành giải ba trở lên. Em mong muốn trong tương lai sẽ làm công việc liên quan đến tiếng Anh.

Bình Minh


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *