Thừa Thiên – HuếNam bệnh nhân 43 tuổi suy tim rất nặng, sự sống chỉ tính theo ngày, vừa được các bác sĩ ghép tim thành công từ người cho chết não.
Giữa tháng 7, người phụ nữ 65 tuổi điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chết não, gia đình đồng ý hiến tạng cứu người. Đây là ca hiến tạng lớn tuổi nên việc lựa chọn người nhận tim sẽ khó khăn do có nhiều nguy cơ cao khi ghép.
Trong danh sách chờ ghép tim trên hệ thống của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia của Bệnh viện Trung ương Huế có bệnh nhân nam 43 tuổi, quê Quảng Nam, là phù hợp nhất. Anh bị suy tim rất nặng, đáp ứng kém với điều trị nội khoa, chức năng tim rất thấp, tiên lượng tử vong rất cao.
Sau khi được các bác sĩ giải thích về các nguy cơ và tim hiến từ người lớn tuổi, bệnh nhân và gia đình đồng ý nhận tim. Ngay lập tức, ba bác sĩ được cử từ Huế ra Hà Nội để nhận tạng.
Ê kíp phải tính toán thời gian lấy tim và vận chuyển về Huế cần ngắn nhất có thể. Cùng đó, kíp mổ tại Huế lên kế hoạch chi tiết để việc ghép tim được diễn ra thuận lợi, theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện.
Sau 4 giờ 52 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển máy bay về Huế, trái tim người hiến đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của người nhận, đêm 18/7. Sau 6 ngày chăm sóc và hồi sức tích cực, bệnh nhân được giảm dần các thuốc trợ tim vận mạch, ngưng thở máy, chức năng tim tốt.
Đây là ca ghép tim thứ 12 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 11 của Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện, nơi này đã thực hiện trên 2.000 ca ghép mô, tạng, tế bào gốc cho bệnh nhân cả nước, góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc… Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Lê Nga