Nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao, lãi vay đang được cho là ở vùng đáy nên thời gian tới khó giảm thêm, theo các chuyên gia.
Ông Lê Văn Thể – Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng và kết cấu Hợp Phát – cho biết nhu cầu thị trường khởi sắc nên trong quý III, một số đơn hàng lớn đã quay trở lại. Hiện, số đơn hàng tại doanh nghiệp tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ, kéo theo nhu cầu vay vốn lưu động tăng lên.
“Chúng tôi đang có hạn mức tín dụng với lãi suất 6%, thấp hơn khoảng 3% so với năm ngoái. Mức lãi suất này tương đối hợp lý với doanh nghiệp”, ông Thể nói.
Với nhóm khách hàng cá nhân, theo ghi nhận của VnExpress, lãi suất vay mua nhà đang duy trì ở vùng 5,5% đến 8,5%, tùy theo thời gian ưu đãi và từng ngân hàng. Còn với khách hàng hiện hữu đang áp dụng lãi suất thả nổi, mặt bằng cũng duy trì ổn định trong vài tháng qua, từ 11-13% tại các ngân hàng tư nhân.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đến nay tiếp tục giảm khoảng 0,96% so với cuối năm 2023. Năm ngoái, mặt bằng lãi suất đã giảm sâu 2,5% một năm.
Gần đây, Thủ tướng nhiều lần có công điện về giảm mặt bằng lãi cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ông Cấn Văn Lực nhận định, lãi suất tiết kiệm đi lên đặt áp lực lên lãi suất đầu ra. Hiện, lãi suất tiết kiệm nhích tăng tại một số ngân hàng tư nhân cũng là áp lực với lãi suất đầu ra. Đồng thời, nợ xấu cũng là áp lực khiến các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, thu hẹp biên lợi nhuận, qua đó ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi vay.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động hiện cao hơn khoảng 0,5% so với mức đáy thiết lập trong quý II và vẫn thấp hơn giai đoạn Covid-19. Đà tăng của lãi suất tiết kiệm diễn ra trong bối cảnh tốc độ huy động vốn của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
Nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3-6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường kỳ vọng sẽ đi ngang trong quý IV và tăng thêm 0,5-0,7% vào 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Giải trình của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội mới đây, cũng cho rằng giảm tiếp lãi suất vay thời gian tới là rất khó khăn. Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua trong khi nhu cầu vốn tín dụng có xu hướng tăng, sẽ là áp lực với mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, việc giảm lãi suất trong nước cũng gia tăng lên áp lực tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Nhận định về lãi suất huy động hiện nay, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank đánh giá lãi suất có tăng nhẹ song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp. Hiện, ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.
Đồng thời, với xu hướng giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nguồn vốn ở các ngân hàng đang được hỗ trợ thêm từ dòng vốn ngoại, qua đó giúp các ngân hàng duy trì chi phí vốn ổn định hơn trong thời gian tới. Phó tổng giám đốc HDBank nhận định, với mức độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và chỉ số lạm phát như hiện nay, lãi suất cho vay đang hỗ trợ rất tốt cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quỳnh Trang