Làm thế nào để biết có thai sau chuyển phôi đông lạnh?

Tôi thụ tinh ống nghiệm, chưa có dấu hiệu gì sau 7 ngày chuyển phôi trữ đông. Dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi trữ đông có khác chuyển phôi tươi? (Nguyễn Mai, TP HCM)

Trả lời:

Thụ tinh ống nghiệm có hai hình thức chuyển phôi chính, gồm chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đông. Phương thức điều trị phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh khác nhau. So sánh thời gian phôi làm tổ và các dấu hiệu có thai sau khi thực hiện hai phương thức không có sự khác biệt.

Thông thường, dấu hiệu có thai sau chuyển phôi xuất hiện do biến đổi trong cơ thể như chướng bụng, căng tức vùng ngực, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, trễ kinh nguyệt, tăng tiết dịch âm đạo, đi tiểu nhiều lần, thân nhiệt cao, chuột rút… Người phụ nữ cũng có thể thay đổi cảm xúc như dễ cáu kỉnh, gắt gỏng. Tùy cơ địa mỗi người, có thể xuất hiện một hoặc đồng thời nhiều dấu hiệu, mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Dù thế, những dấu hiệu trên không điển hình để khẳng định đã mang thai. Để xác định chắc chắn chu kỳ điều trị thụ tinh ống nghiệm thành công, bác sĩ đề nghị xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ beta hCG khoảng 10-13 ngày sau chuyển phôi. Đây là cách chính xác nhất để khẳng định có mang thai hay không. Khoảng 10-15% trường hợp không có dấu hiệu mang thai sau chuyển phôi, nhưng kết quả xét nghiệm máu đo định lượng beta hCG dương tính, đồng nghĩa mang thai.

Bạn không có bất kỳ dấu hiệu nào cũng không nên quá lo lắng, ảnh hưởng đến quá trình phôi làm tổ và phát triển thành phôi thai. Bạn nên chờ 10-13 ngày sau chuyển phôi để xét nghiệm máu giúp khẳng định chính xác kết quả.

ThS.BS Phan Hà Minh Hạnh siêu âm thông báo kết quả đậu thai cho người bệnh sau thụ tinh ống nghiệm. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

ThS.BS Phan Hà Minh Hạnh siêu âm thông báo kết quả đậu thai cho người bệnh sau thụ tinh ống nghiệm. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trong thời gian chờ đợi, bạn nên nghỉ ngơi đầy đủ, có chế độ dinh dưỡng cân đối giúp cải thiện sức khỏe thể chất, đảm bảo năng lượng đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Hạn chế các thực phẩm không tốt như thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, tránh các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá. Hạn chế những cảm xúc tiêu cực, giảm căng thẳng và lo lắng. Uống đủ nước đảm bảo các hoạt động trao đổi chất diễn ra xuyên suốt.

Bạn nên tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ. Nếu đau bụng dữ dội, xuất huyết âm đạo, sốt sau chuyển phôi, bạn nên đến bệnh viện để được khám và điều trị phù hợp.

ThS.BS Phan Hà Minh Hạnh
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *