Lý do nên tập phục hồi sàn chậu sau sinh

Phụ nữ sau sinh tập sàn chậu giúp cải thiện sức mạnh nhóm cơ và dây chằng sàn chậu, phục hồi khả năng nâng đỡ các cơ quan nội tạng ở vùng này.

Sàn chậu được ví như một cái võng, hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau, bám chắc vào thành bụng, xương mu ở phía trước, xương chậu hông ở hai bên và phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt.

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu Nữ, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết sàn chậu có vai trò nâng đỡ ba hệ thống gồm sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Hệ cơ và dây chằng sàn chậu khỏe mạnh giúp cho các cơ quan này nằm đúng vị trí sinh lý khi vận động, kiểm soát đại tiểu tiện, hoạt động tình dục, hỗ trợ quá trình mang thai và sinh con.

Khi phụ nữ mang thai, thai nhi phát triển đè ép trực tiếp vào hệ thống cân và cơ sàn chậu cũng như các mạch máu, thần kinh nuôi dưỡng các cơ quan vùng chậu của người mẹ. Điều này khiến hệ cơ, dây chằng sàn chậu giãn, suy yếu, thoái hóa, giảm khả năng nâng đỡ cơ quan nội tạng vùng chậu và kiểm soát đại tiểu tiện. Do đó, thai phụ thường bị đại tiện hay tiểu tiện không tự chủ (són phân, són tiểu). Khi phụ nữ sinh con, nhất là sinh thường, hệ cơ và dây chằng sàn chậu càng giãn nở, suy yếu nhiều hơn. Số lần mang thai và sinh con càng nhiều, mang thai to, nhất là bé nặng từ 4 kg trở lên, tổn thương sàn chậu càng lớn.

Bác sĩ Oanh khuyên phụ nữ sau khi sinh, dù sinh thường hay sinh mổ, đều cần tập sàn chậu để sớm cải thiện sức mạnh nhóm cơ và dây chằng sàn chậu, phục hồi khả năng nâng đỡ các cơ quan nội tạng vùng chậu, cải thiện khả năng kiểm soát đại tiểu tiện cũng như hoạt động tình dục. Sản phụ có thể tập sàn chậu tại nhà hoặc tập với máy tại bệnh viện.





Bác sĩ Hồng Oanh hướng dẫn người bệnh tập sàn chậu bằng máy phản hồi sinh học. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hồng Oanh hướng dẫn người bệnh tập sàn chậu bằng máy phản hồi sinh học. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nếu không tập phục hồi chức năng sàn chậu sau sinh thì theo tuổi tác, hệ cơ và dây chằng sàn chậu dần chùng nhão, lỏng lẻo, mất khả năng nâng đỡ các cơ quan nội tạng vùng chậu. Tình trạng này gây ra sa tạng chậu, tức các cơ quan nội tạng vùng chậu tụt khỏi vị trí sinh lý, vào sâu trong âm đạo hay hậu môn, thậm chí lộ hẳn ra ngoài. Ngoài ra, suy giảm chức năng sàn chậu còn khiến phụ nữ mất khả năng kiểm soát đại tiểu tiện, dẫn đến són tiểu hay són phân hoặc táo bón, rối loạn tình dục.

Bác sĩ Hồng Oanh khuyến cáo phụ nữ sau sinh gặp những tình trạng trên cần sớm đến bệnh viện khám, đánh giá mức độ để điều trị phù hợp. Bệnh để lâu có thể phát sinh biến chứng viêm loét khối sa, nhiễm trùng đường tiểu, thận ứ nước, thậm chí suy giảm chức năng thận…

Thắng Vũ

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *